Trong khi còn nhiều doanh nghiệp nhà nước đang “loay hoay” với việc cổ phần hóa, thậm chí, có nhiều doanh nghiệp còn cố tình làm chậm quá trình cổ phần hóa thì đã có một doanh nghiệp đã khẳng định được sự thành công vượt bậc của mình nhờ thực hiện cổ phần hóa. Đó chính là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Vậy đâu là bí quyết giúp công ty tạo nên sự thành công khi chuyển sang cổ phần hóa?
Những con số biết nói
Bắt đầu từ tháng 12/2003, Vinamilk thực hiện cổ phần hóa (CPH). Việc làm đầu tiên là Công ty đã sáp nhập nhà máy sữa Sài Gòn (SAIGONMILK), tổng vốn điều lệ của Công ty đạt 1.590 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/10/2005, Nhà nước nắm 9.615.000 cổ phần, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần tương đương 961.500.000.000 đồng, chiếm 60,47%. Đến 19/12/2005, tức gần 2 tháng sau, sau khi bán một phần vốn ra bên ngoài, Nhà nước nắm 7.952.000 cổ phần, mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần tương đương 795.200.000.000 đồng, chiếm 50,01%. Qua đợt quyết toán cổ phần và 2 lần đấu giá cổ phiếu, Vinamilk đã thu về cho nhà nước trên 2.243 tỷ đồng.
Ngày 19/1/2006, cổ phiếu của Vinamilk (mã chứng khoán VNM) đã chính thức được niêm yết tại Trung tâm Chứng khoán TP.HCM với giá khớp lệnh trong phiên giao dịch đầu tiên là 53.000 đồng/cổ phiếu
Theo báo cáo trên, đến nay, hơn 8 năm kể từ sau khi Vinamilk bán vốn ra bên ngoài lần đầu vào tháng 11/2005, giá trị vốn Nhà nước đã là 45.839.304 tỷ đồng, tương đương 2.158 tỷ USD. Vinamilk là một trong những đơn vị cổ phần hóa thành công nhất hiện nay. Sau một thời gian thử nghiệm với mặt hàng cà phê, tháng 2/2010, Vinamilk đã chuyển nhượng Nhà máy Café Sài Gòn cho Công ty CP Trung Nguyên với giá gần 40 triệu đô la Mỹ; toàn công ty tập trung nguồn lực cho một ngành hàng sữa.
Không dừng tại đó, kết quả doanh thu các năm sau tăng vượt lên, lợi nhuận tăng lên, nhất là sau quyết định tập trung cho năng lực cốt lõi là sữa, trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước kéo dài.
5 yếu tố cốt lõi tạo nên thành công
Nói về thành công của mình, Vinamilk cho rằng có 5 yếu tố cốt lõi đã được công ty xác định và nhất quán thực hiện. Cụ thể, yếu tố đầu tiên và cũng là quan trọng nhất giúp Vinamilk đi lựa chọn và xác định đúng hướng đường đi của mình đó chính là người đứng đầu (CEO) là bà Mai Kiều Liên CEO với đầy đủ phẩm chất và năng lực để đưa ra những quyết định kịp thời tạo nên thành công cho đơn vị. Yếu tố thứ hai chính là việc xác định chọn ngành sản xuất và kinh doanh của công ty. Và sản phẩm sữa chính là mặt hàng sản xuất chủ lực của công ty. Đây cũng là loại sản phẩm có nhu cầu rất lớn, thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của thị trường. Yếu tố thứ 3 chính là phải nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch thông tin ngay từ đầu. Và để có thể thực hiện điều này cần phải tổ chức kiểm toán hàng năm tốt, niêm yết sớm. Việc sớm niêm yết còn giúp công ty kịp thời huy động vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, đồng thời giảm hẳn nguồn vốn vay ngân hàng. Yếu tố thứ 4 là tập trung toàn lực cho phát triển giá trị cốt lõi của công ty là ngành hàng sữa. Và cuối cùng là thực hiện chiến lược kinh doanh phát triển bền vững thông qua thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) xuyên suốt trong toàn bộ chiến lược kinh doanh của mình. Điển hình nhất là Vinamilk đã triển khai chương trình “6 triệu ly sữa cho trẻ em Việt Nam”. Đây là chương trình có ý nghĩa xã hội rất lớn vì giúp cho trẻ em Việt Nam có điều kiện phát triển tốt hơn cả về thể lực lẫn trí lực. Không dừng lại đó, Vinamilk còn phát động và tổ chức chương trình trồng một triệu cây xanh trên các vùng miền của Việt Nam. Hiện chương trình này đang nhận được sự tham gia đông đảo của nhiều người, nhiều địa phương. Ngoài ra, Vinamilk còn thực hiện nhiều chương trình xã hội khác nữa. Trên thực tế, Vinamilk đã đưa CSR vào trong chiến lược kinh doanh của mình. Chính thông qua các chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội, thương hiệu Vinamilk phát triển mạnh, doanh số bán hàng, lợi nhuận hàng năm tăng lên nhanh chóng.