Tấm lòng chân thành, tận tụy
Lần đầu tiên gặp Morita Yuko tại thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) với vóc dáng mảnh mai và lối nói chuyện nhã nhặn, ai cũng nghĩ đó là một cô gái Việt. Chỉ đến khi được lãnh đạo huyện Mang Yang giới thiệu, mới hay đó là một phụ nữ Nhật Bản đến làm tình nguyện viên tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Mang Yang.
Yuko tốt nghiệp khoa Quan hệ quốc tế tại một trường đại học ở Mỹ, sau đó cô lại sang Pháp học tiếp. Khi Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA - cơ quan điều phối nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản) tuyển các tình nguyện viên Nhật Bản sang Việt Nam theo chương trình cố vấn phát triển cộng đồng, Yuko đã xin đi. Trước khi sang Việt Nam, Yuko có 2 tháng học tiếng Việt cấp tốc, chỉ với chừng ấy thời gian, bằng quyết tâm tự học và niềm đam mê công việc tình nguyện, Yuko đã có thể nghe và nói tiếng Việt để giao tiếp. Ngay những ngày đầu đến với Gia Lai, hàng ngày Yuko cần mẫn đến các thôn, làng ở hai xã Lơ Pang, Kon Thụp (huyện Mang Yang) tìm hiểu đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội để tư vấn giúp chính quyền và người dân Ba Na ở địa phương hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Yuko dành phần lớn thời gian hướng dẫn người dân cách chế biến và sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi và trồng trọt để có thịt và rau củ quả sạch, đồng thời vận động, hướng dẫn người dân cách ăn ở hợp vệ sinh và xử lý ô nhiễm môi trường. Yuko cùng một số tình nguyện viên khác cũng đến xã Kon Thụp giúp người dân xử lý nguồn nước bị ô nhiễm tại hồ nước của làng Đắk Ponan. Đầu đội nón lá do người dân tặng, quần thô, áo phông đen, Yuko đi thoăn thoắt cùng mọi người bê đất, xách nước, lội ao vớt cây cỏ dại, mồ hôi ròng ròng dưới nắng chiều. Thấy hình ảnh ấy, ai cũng xúc động, cảm nhận được tấm lòng chân thành, tận tụy của cô tình nguyện viên Nhật Bản.
Những việc làm thiết thực và ý nghĩa
Nhiều tình nguyện viên Nhật Bản đã gắn bó với Việt Nam, xem công việc giúp đỡ người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn của Việt Nam là một việc rất ý nghĩa, nên làm cho cuộc đời. Morita Yuko là một tình nguyện viên như vậy. Cô đã gắn bó với công việc tình nguyện tại Việt Nam từ tháng 8-2006, đã có mặt, góp sức tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Tại xã Dĩnh Kế (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), Yuko hỗ trợ bà con nông dân địa phương phát triển kinh tế. Tại tỉnh Gia Lai, Yuko giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, sản xuất nông nghiệp sạch, ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh. Ông Đinh Tuôl, già làng của làng Đắk Ponan, kể về Yuko với niềm quý mến: “Từ khi Yuko về giúp địa phương, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của bà con người Ba Na ở xã Kon Thụp được nâng cao hơn hẳn. Cô ấy làm việc luôn đúng hẹn, chính xác, không kể ngày đêm, mưa nắng, đã hẹn sao là đúng vậy. Cộng đồng chúng tôi rất quý và biết ơn cô ấy”.
Năm 2016, Yuko đi học thạc sĩ ở Anh Quốc. Đến năm 2018, ngay sau khi tốt nghiệp, Yuko trở lại Hà Nội trong vai trò điều phối dự án của JICA. Hai lần đến Việt Nam, Yuko luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với vai trò là tình nguyện viên quốc tế. Lẽ ra với bằng cấp đã đạt được, Yuko dễ dàng tìm được một công việc ổn định, dễ chịu và có thu nhập cao ở Nhật Bản, vậy mà cô đã tạm gác lại mọi thứ để gắn bó với các vùng quê nghèo của Việt Nam, giúp cải thiện đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội. Nói về hành động tình nguyện của mình, Morita Yuko tâm sự: “Tôi cảm thấy hài lòng khi được sống theo đúng ước mơ, sở thích bấy lâu là đến nơi cần được sẻ chia, giúp đỡ. Sống là cho đi, và cho đi cũng là nhận lại. Tết sắp đến, tôi sẽ ở lại đón Tết ở Việt Nam. Những năm tháng tới, tôi sẽ tiếp tục làm việc tại Việt Nam để hỗ trợ nhiều hơn cho miền đất thân thương này, để giúp đỡ các cộng đồng bớt đi những khó khăn”.