Còn quá nhiều lãng phí

Vừa qua, dư luận quan tâm nhiều đến thông tin chi phí 12.800 tỷ đồng cho 40.000 chiếc xe công trên cả nước, trong đó có một số chưa được sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, có một nghịch lý là chi phí cho xe công lại ngang ngửa với lương của cán bộ có tiêu chuẩn sử dụng xe công vụ, mà lẽ ra, chi phí cho xe chỉ là một phần trong các chi phí và phải thấp hơn lương của cán bộ.

Do đó, từ lâu đã có ý kiến đề xuất nên tính luôn ưu đãi về xe công vào lương, cán bộ có chế độ xe có thể tùy ý sử dụng phương tiện mình thích, vừa có lợi cho người thụ hưởng vừa có lợi cho ngân sách. Thế nhưng, đề xuất đó đến nay vẫn chưa thấy thực hiện, phải chăng, ngoài việc được hưởng lợi nhiều thứ ở xe công, còn có tình trạng “lấy le”, “thể hiện đẳng cấp” qua chiếc xe công của một số cán bộ? Hay khi tính ưu đãi xe công vào lương thì sẽ làm thu nhập tăng vượt trội, dẫn đến bất hợp lý so với cán bộ không được hưởng chế độ xe công? Dù lý do gì thì cũng cần tính toán lại để hạn chế việc lãng phí trong sử dụng xe công.

Bên cạnh xe công, còn nhiều lãng phí khác. Chẳng hạn, việc tổ chức cho cán bộ tham quan, học tập kinh nghiệm (cả trong và ngoài nước) cũng nên xem xét tính hiệu quả thực tế. Việc tham quan trong nước nhiều khi làm mất thời giờ, công sức và tiền bạc của cả phía đi thăm và phía được thăm; còn việc học tập ở nước ngoài lắm khi chỉ là cách nói khác của việc đi du lịch bằng ngân sách. Rồi việc sử dụng trụ sở cũng có lắm điều đáng bàn. Trong khi có nhiều nơi còn thiếu chỗ làm việc hoặc cán bộ phải làm việc trong điều kiện chật chội, không thoải mái, chỗ tiếp dân chưa thực sự tốt, thì một số nơi khác lại xây trụ sở to, sử dụng không hết công năng và đem cho thuê khiến cơ sở vật chất mau xuống cấp. Có nơi, việc xây cất trụ sở thiếu đồng bộ, như thiết kế thiếu ánh sáng tự nhiên, thang máy hẹp, thiếu chỗ để xe, thiếu cây xanh… cũng khiến chất lượng của trụ sở không tốt, việc sử dụng không bảo đảm, thành ra lãng phí.

Vấn đề lãng phí giờ giấc cũng rất đáng nói. Đó là nhiều cơ quan tổ chức hội nghị, hội thảo, họp hành quá nhiều, mời thành phần quá rộng, có khi đến nghe cho vui chứ không có tác dụng thiết thực gì đến công việc. Thời gian họp có nơi còn kéo dài, phát biểu lê thê, không đi vào trọng tâm vấn đề mà người dân có quan tâm, bức xúc; có khi lãnh đạo phát biểu chỉ đạo mà chỉ hô khẩu hiệu suông, không có chỉ đạo gì cụ thể, rõ ràng. Hay tình trạng có mặt ở cơ quan nhưng chỉ làm việc cầm chừng hoặc tán gẫu cũng ảnh hưởng đến không khí làm việc chung. Ở một số cơ quan, do quy trình làm việc chưa tốt, do trách nhiệm của cán bộ công chức chưa thể hiện đầy đủ nên giải quyết công việc của người dân còn chậm, khiến người dân phải chờ đợi hoặc phải đi lại nhiều lần, cũng là một sự lãng phí. Ngoài ra, hiện tượng lãng phí điện, nước, điện thoại, tài sản công, giấy in… vẫn diễn ra khá phổ biến mà không có biện pháp chế tài phù hợp. Ra khỏi phòng nhiều giờ nhưng vẫn để máy lạnh, đèn hoạt động như đang có người làm việc; vòi nước bị hư hỏng thường chậm được sửa chữa, khắc phục; nếu nhiều đơn vị cùng sử dụng chung đồng hồ điện thì ý thức tiết kiệm thường không cao…

Đã đến lúc phải triệt để thực hiện tiết kiệm. Đầu tiên phải từ tổ chức bộ máy, sau đó đến cách thức hoạt động, sao cho tinh gọn, hiệu quả, có quy chuẩn, quy trình, tránh sử dụng ngân sách vô tội vạ. Nhà nước phải có hình thức biểu dương, khen thưởng phù hợp với những điển hình về tiết kiệm và đấu tranh chống các biểu hiện lãng phí. Tiết kiệm đối với nước ta thực sự là “góp gió thành bão”, “tích tiểu thành đại”, đó là cách để nâng cao các nguồn lực nhằm thúc đẩy đất nước phát triển mạnh hơn!

VÂN TÂM (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục