Một lần đi ngang chợ, nhìn đám đông bu quanh, rào chắn từ đầu đường, tôi tò mò tấp sát xe vào xem. Thì ra đó là phiên tòa xét xử lưu động. Hai chị phụ nữ đi chợ về - ngược chiều với tôi – nói với nhau “xử thằng cu con bà tư cuối hẻm, nghe nói về tội đánh nhau…”. Nhiều người khác đi ngang cũng tò mò ghé mắt xem mặt bị cáo.
Một lần khác, vào sáng thứ bảy, học sinh nghỉ học, sân trường bị biến thành công đường. Hai bị cáo đen đúa bước ra xe chở phạm nhân, mắt cụp xuống, không dám nhìn một ai. Có tiếng xầm xì: “Con bà Sáu bánh canh bị phạt 7 năm tù vì tội bán ma túy, thằng kia thì 4 năm…”. Thường những bị cáo còn trẻ khi xử án có gia đình, cha mẹ đến xem, nhưng vụ án xét xử gần nhà này lại không có người thân đến xem. Nguyên nhân cũng vì sợ những tiếng xì xầm kia…
Sở dĩ, có việc xét xử lưu động tại khu dân cư là vì nhiệm vụ của ngành tòa án không chỉ là “xét xử” mà còn “tuyên truyền pháp luật”. Và ngành tòa án xác định việc xét xử lưu động là hình thức kết hợp… tuyên truyền pháp luật! Chỉ tiêu giao cho mỗi tòa cấp huyện là phải đảm bảo mỗi năm hơn chục vụ được xét xử lưu động. Câu hỏi đặt ra là việc xét xử lưu động tuyên truyền pháp luật được gì, khi chẳng ai đủ kiên nhẫn “phơi nắng” để nghe tường tận vụ án. Hầu hết mọi người đi ngang ngoái nhìn vì tò mò xem bị cáo là ai, con ai… Nhiều lắm thì mọi người hỏi nhau bị cáo phạm tội gì, bị phạt bao nhiêu năm tù. Nhưng hậu quả là gia đình, ba mẹ, người thân của bị cáo bị dè bỉu. Một vấn đề khác là tại sao cũng là phạm nhân nhưng có người được xét xử trang nghiêm ngay chốn công đường, có người lại bị xét xử giữa đường, giữa chợ?! Đó là chưa kể, để phát huy tính “răn đe” trong công tác tuyên truyền bằng hình thức xét xử lưu động, như một tiền lệ, hầu hết các vụ xét xử lưu động, bị cáo bị mức án cao hơn thông thường, đến… mút khung!
Tâm sự vấn đề này, chính các thẩm phán cũng lắc đầu ngao ngán. Tòa tổ chức xử lưu động cũng rất mệt, tốn công sức. Bị cáo nào bị chọn ra xét xử lưu động cũng “xui” hơn, vì thường án lưu động xử mạnh tay hơn. Nhưng trong ngành đã giao chỉ tiêu xét xử lưu động làm tiêu chí để xem xét thi đua, nên các tòa càng phấn đấu xét xử lưu động nhiều để lấy thành tích.
Đành rằng, đã phạm tội thì phải bị xét xử nghiêm minh. Nhưng rõ ràng, người bị xét xử trang nghiêm ở chốn công đường sẽ khác với người bị “làm điểm” xét xử ở ngoài đường. Ở công đường, chỉ những người có nhu cầu nghe mới đến dự. Còn xét xử ở ngoài đường, chỉ riêng việc đám đông tụ tập cũng đã khêu gợi sự tò mò, hiếu kỳ của nhiều người, chứ đâu có được mấy người thật sự có nhu cầu tìm hiểu cội nguồn sự việc. Vì vậy, đã có không ít ý kiến cho rằng, việc xét xử lưu động như hiện nay là không công bằng cả về vị trí xét xử lẫn mức án đối với các bị cáo. Nhiều ý kiến khác cho rằng việc bị xét xử công khai giữa đường, giữa chợ là việc làm không nhân đạo và không công bằng, vì cả bị cáo và gia đình bị cáo phải chịu những tổn thất tinh thần, chịu những ánh mắt dè bỉu của xóm làng nhiều hơn so với bị cáo bị xét xử ở chốn công đường. Do vậy, đã đến lúc cần xem xét lại hoạt động xét xử lưu động cũng như phương thức tuyên truyền pháp luật của ngành tòa án hiện nay.
HÀN NI