Công khai các dự án được xóa “treo”

Giải quyết quyền lợi chính đáng của dân

Báo cáo với UBND TPHCM về việc thực hiện rà soát, phân loại tiêu chí xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn TP ngày 17-1, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho rằng, một số trường hợp chưa có pháp lý về quyết định thu hồi và giao đất thì chưa xem là dự án do các quyền của người sử dụng đất (xây dựng, sửa chữa nhà…) theo quy định Luật Đất đai vẫn được đảm bảo thực hiện. Do đó, sở kiến nghị UBND TP giao cho UBND quận - huyện, Ban quản lý khu Nam rà soát lại toàn bộ, tổng hợp và đề xuất xử lý, thông báo chấm dứt hoặc hủy bỏ nội dung thực hiện, công bố công khai trên các phương tiện truyền thông các trường hợp này trước ngày 30-1-2013.

Giải quyết quyền lợi chính đáng của dân

Sau khi rà soát các dự án chậm triển khai trên địa bàn TP, Sở TN-MT đã chia ra 2 trường hợp: các dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư và các dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Cụ thể, đối với dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư: toàn TP có 427 dự án (diện tích 4.132ha), trong đó có 254 dự án xây dựng nhà ở (hơn 2.034ha), 53 dự án sản xuất kinh doanh (hơn 877ha) và 120 dự án phúc lợi công cộng (hơn 1.220ha). Đối với dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất: từ ngày 1-1-2001 đến 31-12-2011, UBND TP có quyết định giao, cho thuê và chuyển mục đích sử dụng đất 2.722 dự án (khoảng 21.786ha). Trong đó, 921 dự án thực hiện xây dựng nhà ở (hơn 9.356ha), 1.003 dự án sản xuất kinh doanh (khoảng 7.727ha) và 798 trường hợp dự án công cộng (4.702ha).

Phân tích pháp lý tất cả các trường hợp trên, Sở TN-MT cho rằng, những trường hợp chưa có pháp lý về quyết định thu hồi và giao đất thì chưa xem là dự án do các quyền của người sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai vẫn được đảm bảo thực hiện. Cụ thể như: trường hợp UBND quận - huyện có văn bản thỏa thuận, chấp thuận chủ trương cho một số tổ chức thực hiện nghiên cứu, đầu tư hoặc chấp thuận vị trí địa điểm quy hoạch thực hiện dự án, đến nay chưa thực hiện hoặc hết thời gian cho phép nghiên cứu; trường hợp UBND TP có văn bản thỏa thuận, chấp thuận chủ trương cho một số tổ chức thực hiện nghiên cứu, đầu tư dự án có thời hạn nhưng đã hết thời hạn nghiên cứu mà không báo cáo kết quả nghiên cứu hoặc chủ đầu tư (CĐT) không được chấp thuận thì văn bản được nhiên chấm dứt.

Từ nhận định này, Sở TN-MT kiến nghị UBND TP giao cho UBND quận - huyện, Ban Quản lý khu Nam rà soát lại toàn bộ, tổng hợp và đề xuất xử lý, thông báo chấm dứt hoặc hủy bỏ nội dung thực hiện, công bố công khai trên các phương tiện truyền thông các trường hợp này trước ngày 30-1-2013. Liên quan đến những dự án bồi thường dưới 50% đã được UBND TP có quyết định chấm dứt thực hiện và không tiếp tục gia hạn, Sở TN-MT cho biết đã yêu cầu UBND các quận - huyện trong tháng 1-2013 phải công khai danh sách CĐT và các dự án trên phương tiện truyền thông để người dân biết.

Còn đối với những trường hợp được UBND TP hoặc Sở TN-MT chấp thuận địa điểm đầu tư thực hiện dự án, theo quy định hiện hành, các trường hợp nhà, đất trong khu vực này về pháp lý chưa có quyết định thu hồi đất do đó quyền của người sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai vẫn được bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, thực tế việc xây dựng, cải tạo sửa chữa của người dân có nhà đất trong khu vực này bị hạn chế nên sở kiến nghị phải xem xét giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân.

Kiến nghị 2 phương án

Theo Sở TN-MT, những dự án đã được UBND TP có quyết định thu hồi và giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất mà thực hiện chậm tiến độ thì cần phải xem xét xử lý. Tuy nhiên, đối với những dự án CĐT thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng trên 50% thì cần xem xét, xác định cụ thể nguyên nhân về tính khả thi dự án, năng lực CĐT, quy mô, khó khăn vướng mắc trước khi xử lý. Còn đối với dự án CĐT đã bồi thường trên 80% diện tích đất, CĐT chứng minh có năng lực, đảm bảo nguồn vốn và thực sự có nhu cầu đầu tư nhưng do các nguyên nhân khách quan (một số ít người dân đòi bồi thường giá quá cao, không chịu di dời, đưa ra những yêu cầu không chính đáng) thì không liệt các trường hợp này vào dự án “treo” để xử lý theo quy định vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của CĐT và gây thiệt hại lợi ích xã hội. “Cần xem xét, hỗ trợ trường hợp này để CĐT hoàn tất dự án” - sở này kiến nghị.

Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng dự án “treo” trên địa bàn TP, Sở TN-MT cũng đã đưa ra 2 phương án xử lý. Phương án 1 là giao cho sở ngành chuyên môn xây dựng định lượng tiêu chí, áp dụng xử lý chung cho tất cả các dự án trên địa bàn TP. Theo sở, ưu điểm của phương án này là xử lý nhanh nhưng chủ quan vì mỗi quận - huyện sẽ có những đặc điểm riêng riêng chứ không đồng nhất. Phương án 2 là giao cho UBND các quận - huyện rà soát dự án tại địa phương, tự xây dựng định lượng tiêu chí theo các nội dung để áp dụng xử lý. Sở TN-MT cho rằng phương án này phù hợp với tình hình của từng quận - huyện; đồng thời hỗ trợ giải quyết tháo gỡ khó khăn nếu có. Tuy vậy, thời gian thực hiện xử lý chung cho toàn TP có thể bị kéo dài vì tình hình của các quận - huyện không giống nhau.

Nhung Nguyễn

Tin cùng chuyên mục