Chính phủ vừa thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37 ngày 9-3-2007 về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như bản kê khai của người dự kiến được bầu, được phê chuẩn tại Quốc hội sẽ được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND... Theo đó, bản kê khai tài sản cán bộ đã được công khai trong một phạm vi nhất định. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng trong việc công khai tài sản, thu nhập của CBCC, tạo điều kiện cho người dân cùng theo dõi, kiểm tra.
Trong bảng xếp hạng về tính minh bạch của Tổ chức minh bạch quốc tế, thứ hạng của nước ta thay đổi khá tích cực (từ năm 2007 đến 2010, Việt Nam tăng từ hạng 123 lên 116/178 nước và vùng lãnh thổ). Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, sự thay đổi đó không đáng kể.
Ở các cuộc thảo luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vừa qua, nhiều ý kiến đã thẳng thắn đề nghị Trung ương sớm ban hành quy định về công khai tài sản thu nhập một số chức danh chủ chốt; công chức phải giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập của mình; có biện pháp xử lý những hành vi làm giàu bất chính.
Việc kê khai tài sản và công khai thu nhập đối với nhiều nước trên thế giới là chuyện rất bình thường. Trong khi đó, ở nước ta, thông tin liên quan đến nội dung kê khai của CBCC chủ chốt vẫn còn là chuyện… nội bộ. Bảng kê khai được xem là tài liệu mật, được 3 cơ quan cùng cấp quản lý theo dạng hồ sơ mật là ban tổ chức, ủy ban kiểm tra các cấp và thanh tra các cấp. Hồ sơ chỉ được đưa ra xem xét trong trường hợp có đơn thư phản ánh, tố cáo. Và cũng chỉ người có thẩm quyền mới được tiếp cận hồ sơ.
Theo Nghị định 37 của Chính phủ, người kê khai không trung thực chỉ bị xử lý ở 4 mức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch công chức. Hiện nay cũng chưa có ai thống kê được có bao nhiêu bảng kê khai là thật.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Huấn (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, dù Luật Phòng chống tham nhũng có quy định cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng nhưng trong Nghị định 37 lại không đề cập đến việc xử lý tài sản hoặc thu nhập được xác định là không rõ ràng…
Ai cũng hiểu, vấn đề cốt lõi của kê khai tài sản là nhằm mục tiêu ngăn chặn hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn của một bộ phận CBCC có chức có quyền. Việc kê khai muốn hiệu quả, phải được đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Công khai chính là gốc rễ của minh bạch, và chỉ khi nào sự minh bạch được thực hiện tốt mới có thể chống quan liêu tham nhũng hiệu quả.
Việc Chính phủ thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 37 về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức có thể coi là một bước tiến trong quá trình xây dựng bộ máy nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh. Điều mong mỏi của người dân hiện nay là làm thế nào để Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 37 có hiệu lực, đi vào đời sống càng sớm càng tốt.
Hồng Hiệp