Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo Sở GD-ĐT TPHCM dứt khoát năm nay TPHCM không có chuyện chạy trường, chạy lớp. Dư luận rất hoan nghênh sự chỉ đạo quyết liệt đó.
Trên thực tế, việc chạy trường xuất phát từ nhu cầu có thực trong xã hội. Có không ít trường hợp nhà ở gần trường này nhưng theo tuyến thì phải học ở trường kia xa hơn, vì vậy phụ huynh phải “chạy” để con được học ở trường thuận tiện nhất. Hay có một số người đi làm xa, muốn con cái học ở gần nơi làm việc để tiện đưa đón, nên cũng tìm cách “chạy”. Hoặc cá biệt hơn, trẻ có tư chất tốt, nếu được học ở “trường điểm”, “lớp chọn” với những điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, giáo viên giỏi hơn để có thể phát huy khả năng thì phụ huynh cũng tìm cách “chạy”. Tuy nhiên, việc “chạy trường”, “chạy lớp” còn có nhiều biểu hiện khác. Có một số người bất kể trường xa nhà, xa nơi làm việc, không tiện việc đưa đón, vẫn muốn cho con học ở trường điểm, trường tốt theo phong trào, theo “đẳng cấp”. Có trường hợp, phụ huynh chạy trường vì cho rằng trường đúng tuyến cơ sở vật chất kém, giáo viên yếu.
Trừ một số trường hợp thật sự chính đáng, được linh động giải quyết, còn phần nhiều người phải thông qua “cò”, qua các mối quan hệ, quen biết để tìm được một suất học cho con. Việc chạy trường có thể làm vẩn đục môi trường giáo dục, bởi có những trẻ có được chỗ học thông qua việc đưa và nhận hối lộ, từ đó có thể sinh ra tâm lý rẻ rúng mái trường mình đang học, coi thường giáo viên đang dạy mình. Không chỉ vậy, việc chạy trường khiến những học sinh lẽ ra học đúng tuyến có thể bị mất chỗ nếu không kịp đăng ký, hoặc buộc phải học trong lớp đông đúc, khiến chất lượng dạy và học không bảo đảm. Hay việc đổ dồn vào một số trường nào đó khiến những trường này trở nên quá tải, trong khi những trường ở vùng ven, trường chưa có “tên tuổi” thì thiếu học sinh. Cá biệt, có nơi xây dựng “lớp chọn” không theo tiêu chí học lực mà theo sự đóng góp, sự “tự nguyện ủng hộ” của phụ huynh, có thể tạo ra sự bất bình đẳng ngay trong nhà trường, là hình thức thiếu tính giáo dục.
Để hạn chế việc chạy trường, bản thân ngành giáo dục phải rà soát lại hệ thống trường lớp của mình, xem khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế như thế nào, trong đó các thứ tự ưu tiên nhận học sinh ra sao (hộ khẩu thường trú, tạm trú, các trường hợp có thể giải quyết linh động là bao nhiêu…). Nơi nào thiếu trường lớp thì khẩn trường xây dựng mới và ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, điều chuyển giáo viên để thu hẹp khoảng cách chất lượng giảng dạy giữa các khu vực, khắc phục dần tâm lý của phụ huynh muốn cho con vào học các trường mà họ cho là tốt. Phải quán triệt trong toàn ngành việc chấp hành chủ trương hạn chế chạy trường, nhất là các trường hợp không chính đáng, không cần thiết, có yếu tố “mua bán”. Các cá nhân vi phạm cần phải bị xử lý nghiêm khắc và thông báo công khai để tạo sự răn đe chung.
Nếu cần thiết, ở một số trường trọng điểm có thể tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch để chọn học sinh có năng lực tốt vào học, không thông qua “chạy”. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tránh tác động, can thiệp, xác nhận để hợp thức hóa việc chạy trường; các cán bộ, công chức, lãnh đạo không “viết thư tay”, “giới thiệu”, gửi gắm đến các trường để nhận học sinh trái tuyến. Cần tuyên truyền rộng rãi đến phụ huynh về các biện pháp chống chạy trường cũng như các tác hại của việc chạy trường để góp phần nâng cao nhận thức của phụ huynh, ngăn chặn từ gốc việc “chạy”. Dĩ nhiên, trong quy định “tuyến”, “luồng” cần linh hoạt, hợp lý và công khai để phụ huynh có thể lựa chọn nơi học cho con mình vào học ở những trường thuận tiện nhất mà không phải “chạy”, và mọi người có thể giám sát được những trường hợp được đưa vào học không đúng tuyến. Muốn ngăn chặn, chấm dứt nạn chạy trường, cần phải có quyết tâm cao và những biện pháp hợp lý, đồng bộ. Tránh “đánh trống bỏ dùi” hoặc chỉ hô hào suông.
VÂN TÂM (quận 3, TPHCM)