Công nghệ bảo vệ phụ nữ

Gần 10 giờ đêm, Manira Chaudhury, cô sinh viên năm cuối một trường đại học ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ mới chuẩn bị về nhà. Sau khi Manira chạm nhẹ lên màn hình smartphone của mình, một thông báo khẩn cấp đã được gửi tới 2 người bạn thân của cô.
Công nghệ bảo vệ phụ nữ

Gần 10 giờ đêm, Manira Chaudhury, cô sinh viên năm cuối một trường đại học ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ mới chuẩn bị về nhà. Sau khi Manira chạm nhẹ lên màn hình smartphone của mình, một thông báo khẩn cấp đã được gửi tới 2 người bạn thân của cô.

Ngay lập tức, điện thoại của Manira nhận được 2 cuộc gọi. “Mình vẫn ổn. Mình chỉ kiểm tra xem ứng dụng có hoạt động hay không thôi”, Manira trấn an 2 bạn.

Ứng dụng VithU với lời khuyến cáo: Luôn cẩn thận - luôn đề phòng.

Ứng dụng Manira nói đến là VithU, được phát triển bởi Channel V. Công ty này cho ra mắt VithU vào tháng 11 năm ngoái, khi mà phụ nữ Ấn Độ vẫn phải sống trong cảnh bất an kể từ sau vụ hiếp-giết nữ sinh viên trên xe buýt tại New Delhi năm 2012 gây chấn động thế giới. Khi chạm liên tiếp 2 lần vào biểu tượng VithU trên màn hình smartphone, một tin nhắn sẽ tự động được gửi đi với nội dung: “Tôi đang gặp nguy hiểm. Tôi cần được giúp đỡ. Hãy tìm vị trí của tôi” cùng những thông tin về vị trí người gửi. Hiện ở Ấn Độ có hàng chục các ứng dụng kiểu như VithU và phần lớn do các công ty tư nhân phát triển. Tuy nhiên, cuối tháng 11 này, Chính phủ Ấn Độ cũng dự kiến ra mắt một ứng dụng bảo vệ phụ nữ tương tự như dịch vụ hỗ trợ phụ nữ 181 đang được sử dụng.

Bất chấp quốc gia Nam Á cho áp dụng Luật Hình sự sửa đổi năm 2013 với các hình thức xử phạt dành cho tội phạm tình dục nặng tay, thống kê mới nhất của Cơ quan Quản lý tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB) khiến nhiều người phải bàng hoàng: mỗi năm tại Ấn Độ xảy ra 24.923 vụ hiếp dâm. Tại Trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ, nơi được xem là an toàn nhất cho phụ nữ, số vụ hiếp dâm năm 2014 tăng 43% so với năm 2013. Trước tình cảnh này, ngày càng có nhiều phụ nữ Ấn Độ ủng hộ sử dụng các công nghệ tiên tiến để phòng chống tấn công tình dục.

Trên thực tế, ngay từ thời của cựu Thủ tướng Manmohan Singh, Chính phủ Ấn Độ đã dành một quỹ trị giá khoảng 16 tỷ USD để thực hiện các dự án đảm bảo an toàn cho phụ nữ. Bộ Nội vụ Ấn Độ đã yêu cầu cơ quan an ninh liên kết chặt chẽ với các nhà mạng để có thể nhanh chóng trả lời các cuộc gọi của nạn nhân và truy tìm dấu vết. Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ đề ra giải pháp bắt buộc các nhà sản xuất điện thoại di động phải đưa nút SOS vào các thiết bị cầm tay. Bộ Giao thông đường bộ và đường cao tốc Ấn Độ thì đề xuất gắn thiết bị theo dõi GPS lên phương tiện giao thông công cộng tại hàng chục thị trấn để đối phó với tấn công tình dục...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các kế hoạch riêng rẽ trên sẽ khó giải quyết được cái gốc của vấn đề bạo lực tình dục đối với phụ nữ ở Ấn Độ. Bà Rimi B. Chatterjee, nhà hoạt động xã hội tại Kolkata, Ấn Độ cho rằng muốn nữ giới thực sự được an toàn, nam giới cần phải được giáo dục cách tôn trọng người khác giới. “Các ứng dụng trên điện thoại không đảm bảo cho phụ nữ được an toàn. Vấn đề không xuất phát từ nữ giới mà là từ nam giới với suy nghĩ trọng nam khinh nữ của họ. Những nam thanh niên trẻ phải được giáo dục, phải học cách tôn trọng phụ nữ. Đó mới là cách để giải quyết triệt để vấn nạn tấn công tình dục ở Ấn Độ”, bà Chatterjee nói.

MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục