Củ khoai mà biết nói năng…

Mấy ngày gần đây, thông tin về tình trạng khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt lại rộ lên khiến dư luận quan tâm. Thực ra, đây không phải là chuyện mới mẻ, mà đến hẹn lại lên, cứ hết mùa khoai tây Đà Lạt là khoai Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, nhất là TPHCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, khoai Trung Quốc không đi thẳng vào các thị trường nói trên, mà đi lòng vòng lên Đà Lạt, khoác lên mình lớp đất đỏ bazan để giả danh, hoặc ít ra cũng nhập nhằng xuất xứ nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Mấy ngày gần đây, thông tin về tình trạng khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt lại rộ lên khiến dư luận quan tâm. Thực ra, đây không phải là chuyện mới mẻ, mà đến hẹn lại lên, cứ hết mùa khoai tây Đà Lạt là khoai Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, nhất là TPHCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, khoai Trung Quốc không đi thẳng vào các thị trường nói trên, mà đi lòng vòng lên Đà Lạt, khoác lên mình lớp đất đỏ bazan để giả danh, hoặc ít ra cũng nhập nhằng xuất xứ nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Theo thông tin từ Ban Quản lý chợ nông sản Đà Lạt, chỉ trong vòng nửa tháng qua, đã có 44 tấn khoai tây Trung Quốc được nhập về chợ “quá cảnh” để tung ngược ra thị trường. Giá khoai nhập về chỉ 3.500 đồng/kg nhưng sau khi đội lốt Đà Lạt thì tăng vọt lên hơn 10.000 đồng/kg, tương đương giá khoai tây Đà Lạt. Điều mà người tiêu dùng quan tâm ở đây không chỉ vấn đề giá cả mà chính là chất lượng và độ an toàn của khoai tây Trung Quốc.

Với mức giá rẻ mạt, chênh lệch rất lớn so với giá khoai Đà Lạt, rõ ràng chất lượng khoai tây Trung Quốc không cao. Hơn nữa, nếu chất lượng tốt thì khoai tây Trung Quốc đường đường chính chính xuất hiện trên thị trường mà không cần giả danh khoai Đà Lạt. Về độ an toàn, ngoài lô khoai tây hồng (26 tấn) có dư lượng độc chất vượt ngưỡng 16 lần (bị tiêu hủy vào năm ngoái), nhiều mẫu kiểm tra gần đây dù dư lượng độc chất chưa vượt ngưỡng nhưng cũng ở mức cao, gần với ngưỡng không an toàn.

Đối với nông dân Đà Lạt, khoai tây Trung Quốc đã tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và tai hại hơn đó là nguy cơ người tiêu dùng quay lưng với chính sản phẩm khoai tây Đà Lạt vì họ không biết đâu là thật, giả.

Như vậy, tác hại của việc khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai Đà Lạt đã rõ. Vấn đề đặt ra là vì sao tình trạng này đã diễn ra từ lâu và công khai nhưng ngành chức năng vẫn lúng túng trong việc tìm giải pháp đối phó.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, việc khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai Đà Lạt về bản chất là một hình thức gian lận thương mại. Nhưng về lý thì cơ quan chức năng không xử lý được, vì hàng nhập về có đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Người trộn đất lên khoai Trung Quốc thì nói rằng: “Làm vậy cho đẹp, cũng như phụ nữ trang điểm vậy, chứ không phải để đánh lừa người dùng”.

Không có chế tài xử lý, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng chỉ còn cách áp dụng giải pháp tuyên truyền, vận động, hoặc tổ chức cho tiểu thương cam kết không “khoác áo” Đà Lạt cho khoai Trung Quốc, nhưng vì cái lợi trước mắt nên những lời vận động bị tiểu thương bỏ ngoài tai.

Giải pháp tiếp theo được ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng triển khai khá rầm rộ gần đây (không chỉ đối với khoai tây mà với một số mặt hàng nông sản khác), đó là đưa ra cách phân biệt hàng Trung Quốc với hàng Đà Lạt. Giải pháp này cũng không mấy hữu dụng, bởi trên thực tế, không chỉ người tiêu dùng mà nhiều người kinh doanh khoai tây cũng không dễ phân biệt, nhất là khi khoai Trung Quốc đã khoác lên mình lớp đất đỏ bazan. Chỉ đến khi khoai tây Trung Quốc được chế biến thành món ăn, ăn vào thấy dẻo, không bùi thì sự đã rồi.

Một giải pháp khác mang tính kỹ thuật, đó là lấy mẫu khoai tây Trung Quốc để phân tích dư lượng độc chất, nếu vượt ngưỡng thì buộc tiêu hủy. Đây có thể coi là giải pháp mạnh, đánh đúng vào điểm yếu của khoai tây Trung Quốc, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Điều quan trọng là giải pháp này cần được thực hiện quyết liệt, thường xuyên chứ không phải “đánh trống bỏ dùi”.

Xây dựng thương hiệu, uy tín cho khoai tây và cây rau Đà Lạt nói chung đã khó. Nhưng kiểu làm ăn chụp giật của tiểu thương, sự lúng túng trong công tác quản lý của cơ quan chức năng cho thấy chặng đường để phát triển thương hiệu rau Đà Lạt còn dài.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục