Cửa hẹp với cử nhân ngoài công lập

Thời điểm cận tết cũng là lúc các sinh viên (SV) hồ hởi đón nhận tấm bằng đại học sau 4 năm đèn sách. Những tưởng thế là đã hết thời kỳ cơ cực, hết khoảng thời gian ôm bụng đói học thi, thế nhưng niềm hân hoan ấy chỉ là giây phút thoáng qua, thay vào đó là những lo lắng cho tương lai.

Trong khi các SV tốt nghiệp đại học công lập có thể tự tin, các SV tốt nghiệp đại học ngoài công lập lại rất lo buồn khi đi tìm việc, bởi nhiều công ty thậm chí là cả một số cơ quan nhà nước thẳng thừng quay lưng với người tốt nghiệp đại học ngoài công lập vì định kiến chất lượng học tập và đào tạo thấp.

Tốt nghiệp một trường đại học dân lập ở TPHCM, tôi quyết định ở lại TPHCM trong dịp tết này với hy vọng tranh thủ làm thêm để có khoản tiền ra tết trang trải sinh hoạt trong thời gian tìm việc làm, đồng thời tìm cơ hội có được việc làm ổn định. Gia đình nghèo, lại biết trước rằng con đường tìm việc với những cử nhân dân lập như tôi sẽ rất gian nan, nên suốt trong quá trình học tôi đã rất nỗ lực trang bị vốn kiến thức và bây giờ đang gắng bươn chải tìm việc làm, nhưng vẫn chưa thể lách qua được cánh cửa hẹp.

Mới đây, trong một lần đi đăng ký việc làm ngày tết, đứng giữa hàng trăm SV hầu hết mới tốt nghiệp, tôi thấy không chỉ riêng tôi, mà hầu như các bạn cử nhân dân lập đều có chung tâm trạng lo lắng. Một bạn tên Nhung, tốt nghiệp ngành tâm lý học Trường Đại học Văn Hiến, cho biết quê ở tận Ninh Bình, vào TPHCM ăn học, tốt nghiệp cả năm nay nhưng đi xin việc các nơi vẫn không được. Sợ bố mẹ buồn nên cô nói dối đã tìm được việc làm. Tết này cô gắng làm thêm kiếm tiền để ra tết tìm việc tiếp chứ không thể phụ thuộc mãi vào gia đình.

Một bạn khác tên Thành, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh Trường Đại học Hùng Vương nửa năm nay, cũng cứ phải lận đận trên đường tìm việc. Thành kể, tới công ty nào liên hệ cũng gặp cảnh người ta xem hồ sơ xong rồi chép miệng: “Trường dân lập hả em?” và hỏi một vài câu chuyện ngoài lề thay bằng phỏng vấn, rồi chờ mấy tháng sau cũng chẳng thấy họ thông báo lại.

Ngọc Yến, tốt nghiệp ngành tiếng Anh Trường Đại học Văn Hiến từ năm 2008, nhưng đến nay cũng không tìm được việc làm, nộp hồ sơ mà không thấy công ty nào gọi phỏng vấn, đành phải tạm thời làm công việc như bảo mẫu tại một trường mầm non quốc tế.

Tình cảnh của tôi, của Nhung, Thành, Ngọc Yến và hàng chục ngàn cử nhân dân lập mới nhận bằng khác đã quá gian nan. Rất mong các đơn vị tuyển dụng hãy xét theo thực lực và sự nỗ lực thể hiện qua kết quả học tập của từng cá nhân tham gia ứng tuyển, không nên vì thành kiến mà đóng cửa, quay lưng với cử nhân đại học ngoài công lập, làm thui chột những người có năng lực thực sự.

Ly Ly (sinh viên trường Đại học Hồng Bàng)

Tin cùng chuyên mục