Cuộc gặp tình cờ làm nên duyên phận

Chuyện của người con thứ hai
Cuộc gặp tình cờ làm nên duyên phận

Khi người con trai duy nhất hy sinh tại biên giới Tây Nam vào tháng 3-1978, mẹ Thái Thị Xứng  tưởng như cuộc đời về sau của vợ chồng mình sẽ sống trong cảnh hiu quạnh, không còn nơi nương tựa. Nhưng, mối nhân duyên bất ngờ đã đưa một người con khác đến bên mẹ, sớm tối hiếu kính, phụng dưỡng vợ chồng mẹ thay cho người đã khuất.

Chuyện của người con thứ hai

Cuộc gặp tình cờ làm nên duyên phận ảnh 1

Chị Thái Thị Tuyết Nga - vợ anh Côn - thường xuyên chăm sóc mẹ Xứng.

Đến giờ này, mẹ Xứng vẫn luôn tin rằng chính con trai mình – liệt sĩ Đàm Quang Hùng – đã “xui khiến” làm nên cuộc gặp gỡ khiến cho cuộc đời của vợ chồng mẹ được ấm áp. Theo lời kể của mẹ, một đêm mẹ nằm mơ thấy anh Hùng về thăm và nói: “Con không chết đâu, chỉ là trao qua đổi lại thôi”. Bẵng một thời gian, vào một ngày của năm 1985, tình cờ có một người trạc tuổi trung niên vào quán trà của mẹ ngồi uống nước.

Thấy mẹ lớn tuổi mà phải lui cui vừa buôn bán vừa dọn rửa, người ấy xăng xái làm phụ. Trò chuyện thăm hỏi, mẹ biết anh tên Nguyễn Văn Côn, quê ở tỉnh Hà Nam, cha mẹ đã mất, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) tại chiến trường miền Nam. Thấy anh Côn xốc vác, thật thà lại tốt bụng, mẹ rất quý anh. Nhớ đến giấc mơ, mẹ tin rằng con trai mình “đưa” anh Côn đến, nên muốn nhận anh làm con nuôi để sớm hôm có người nương tựa.

Về phần mình, nghĩ đến nghĩa tình đồng đội và đồng cảm vì cùng cảnh ngộ neo đơn, anh Côn nhận lời thay anh Hùng làm con trong nhà mẹ Xứng. Từ ngày đó, anh về ở hẳn với vợ chồng mẹ tại căn nhà số 98E Lê Lai phường Bến Thành quận 1 để tiện bề chăm sóc. Khi anh yêu một cô gái ngoan hiền, mẹ đứng ra cưới vợ cho anh và giao hẳn quán nước trước nhà cho vợ chồng anh buôn bán, yên tâm nghỉ ngơi.

Mẹ kể: “Từ ngày có vợ chồng nó và sau đó là ba đứa cháu gái ra đời, căn nhà này có thêm tiếng cười tiếng nói, không còn quạnh hiu nữa. Vợ chồng mẹ đã có nơi nương tựa, có nguồn an ủi lúc tuổi già. Mấy đứa con có hiếu lắm. Giờ đỡ đỡ một chút chứ hồi đó kinh tế khó khăn, mà vợ chồng nó cũng cố gắng lo từng miếng ăn giấc ngủ cho tui với ổng (chồng mẹ – PV).

Lúc ổng mất, cũng một tay tụi nó lo chuyện ma chay chứ mẹ già rồi, đâu có làm được gì”. Lòng hiếu nghĩa của anh đã được thành phố tuyên dương gương “Người con hiếu thảo”. Còn với anh Côn, tình thương yêu của cha mẹ nuôi là nguồn vui mà đã lâu rồi anh mới có lại được kể từ khi cha mẹ ruột qua đời. Hai mươi bốn năm trước, cuộc gặp gỡ tình cờ đã làm nên một duyên phận – một món quà kỳ diệu trong cuộc đời những con người cô đơn.

Và chuyện của người mẹ

Năm nay đã 80 tuổi nhưng mẹ Thái Thị Xứng vẫn rất minh mẫn, nhớ như in từng chuyện trong đời. Quê mẹ ở xã Trường Lạc huyện Ô Môn tỉnh Cần Thơ. Gia đình có truyền thống cách mạng, năm 18 tuổi, mẹ hăng hái tham gia nấu cơm cho bộ đội địa phương. Được hơn một năm, mẹ lên Sài Gòn đi làm người giúp việc.

Nhờ tính mẹ chịu khó lại thật thà, chủ nhà thương nên ngoài tiền công còn cho thêm tiền quà bánh. Sau khi lấy chồng, mẹ bán bánh mì rồi sau đó chuyển sang hành nghề trị bệnh bằng thuốc nam. Suốt thời gian đó, số tiền kiếm được mẹ đều tích cóp gửi về quê tiếp tế cho cách mạng. Năm 1976, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, mẹ tiếp tục đóng góp người con trai duy nhất của mình cho Tổ quốc.

Hơn một năm sau, mẹ nhận tin con trai mãi mãi không về. Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi của chính quyền địa phương, của quân đội. Mỗi năm, quận 1 đều tổ chức cho mẹ lên Nghĩa trang liệt sĩ ở quận Thủ Đức thăm mộ con hai lần. Hơn ba mươi năm trôi qua, nỗi nhớ con trong mẹ vẫn không nguôi, nhất là trong những ngày tết đến…

Sau ngày giải phóng, mẹ có đưa cho một cán bộ ở phường tờ giấy xác nhận mẹ đã tham gia đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước, nhưng sau đó tờ giấy này đã bị thất lạc. Mấy chục năm qua đi, gia đình mẹ không được công nhận là gia đình có công với cách mạng vì không có gì chứng minh, còn những người có thể làm chứng, xác nhận đều đã qua đời. Đối với mẹ, chuyện được hưởng chế độ hay không không quan trọng, nhưng những ai biết mẹ đều mong những đóng góp của mẹ trong cuộc chiến tranh, dù nhỏ, cũng phải được công nhận.

Ái Chân

Tin cùng chuyên mục