Cứu vỡ quỹ trước mắt, gánh nặng về sau

Nhân đọc các ý kiến rất xác đáng của bạn đọc đã đăng trên trang Nhịp cầu bạn đọc Báo SGGP về việc không ổn khi tăng tuổi nghỉ hưu, tôi xin nêu thêm ý kiến.

Nhân đọc các ý kiến rất xác đáng của bạn đọc đã đăng trên trang Nhịp cầu bạn đọc Báo SGGP về việc không ổn khi tăng tuổi nghỉ hưu, tôi xin nêu thêm ý kiến.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động so với quy định hiện hành nhằm đối phó nguy cơ vỡ quỹ lương hưu là không ổn, bởi tăng tuổi nghỉ hưu chỉ có thể tránh được vỡ quỹ trước mắt, nhưng về lâu dài còn nguy hiểm hơn, do sau thời gian kéo dài thêm thì lớp người lao động đó vẫn phải nghỉ hưu. Vậy chẳng khác nào “đánh bùn sang ao”, đẩy trách nhiệm cho những người phụ trách sau này phải gánh. 

Bộ LĐ-TB-XH không nên dựa vào những lý do và những ý kiến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, vì sẽ làm khó cho nhiều người lao động không còn đủ điều kiện về năng lực, trình độ, tâm sinh lý vẫn phải tiếp tục lao động. Trong khi đó có thể có nhóm người nào đó sẽ lợi dụng chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu để trục lợi cho bản thân hoặc lợi ích nhóm, mà kỳ thực họ ở lại chẳng làm lợi ích gì, ngược lại còn có thể cản trở người kế nhiệm, làm cho số thanh niên vào đời bị thất nghiệp.

Bộ luật Lao động sửa đổi đã được Quốc hội bàn thảo kỹ và thông qua năm 2012 sẽ có hiệu lực từ tháng 5-2013, có lẽ không cần phải bàn cãi gì thêm về tuổi nghỉ hưu. Bởi lần này vấn đề đó đã được các đại biểu tiếp tục cân nhắc, tranh luận, bàn thảo kỹ và phù hợp với đại đa số người lao động trong điều kiện kinh tế - xã hội và sức khỏe, trí tuệ, tâm sinh lý của người Việt Nam. Hơn nữa, lần này đã có điều khoản quy định mở là người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 năm.

Như vậy là đã khá đầy đủ, xét thấy cũng không cần phải quy định nâng tuổi nghỉ hưu cho một số nhóm lao động nữ để viện cớ “đảm bảo bình đẳng giới”, hay sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu 60-65 đối với tất cả lao động nam nữ để “phù hợp theo điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước” như nhiều người đề nghị. Bởi lẽ, thực tế đại đa số người lao động không có chức vụ ai cũng mong đến tuổi để được sớm nghỉ hưu sau nhiều năm làm việc, chỉ có số ít người còn mong muốn được ở lại tiếp tục công tác vì lý do gì đó, không phải là nguyện vọng chung của người lao động.

Cũng đừng vì lập luận hiện có đơn vị, ngành, địa phương thiếu người đảm bảo tiêu chuẩn để thay thế mà đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu tràn lan, nhất là đối với nhóm lãnh đạo cục, vụ, viện trở lên như nhiều ý kiến đã đề xuất. Trong thực tiễn, không có chức vụ hay cương vị nào không có người thay thế được. Trước đây đã từng có những đồng chí lãnh đạo Đảng ta nhận nhiệm vụ khi còn rất trẻ, sao nay lại không dám giao cho người trẻ. Hãy nghĩ đến tương lai của hàng triệu thanh niên đang phải nằm trong đội ngũ lao động thiếu việc làm.

Nguyễn Văn Thước (Liên hiệp Hội KH-KT Cà Mau)

Tin cùng chuyên mục