Đà Nẵng: Chú trọng tính khả thi của các phương án phòng, chống dịch

Tại TP Đà Nẵng, khi mở lại các hoạt động, một trong những điều kiện để các cơ sở, hoạt động quay trở lại “bình thường mới” chính là có phương án phòng dịch, thiết bị quét mã QR,... Tuy nhiên việc vận hành phương án này là một vấn đề mới đối với các cơ sở.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu

Những ngày qua, hàng loạt các hoạt động được nới lỏng, nhịp sống của Đà Nẵng trở nên sôi động hơn. Điển hình, trên tuyến phố Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh,.. các cửa hàng quần áo, giày dép để thu hút khách hàng với chương trình khuyến mãi, giảm 30%-70% hoặc mua 1 tặng 1, mua 1 tặng 2.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiếu, Trưởng phòng Kinh doanh cơ sở giày dép BQ cho biết, đơn vị đã thiết lập quy trình mua bán 5K tại tất cả các hệ thống cửa hàng. Toàn bộ nhân viên đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19.

Sát khuẩn tay tại cơ sở giày dép BQ

“Khi đến cửa hàng, đơn vị sẽ có thiết bị quét mã QR cho nhân viên và khách. Riêng khách hàng, công ty cũng có những chính sách khuyến khích thanh toán không chạm qua mã QR hoặc thẻ”, ông Hiếu nói.

Từ năm 2020, mã QR đã được TP Đà Nẵng triển khai thông qua việc kiểm soát người đi chợ. Theo đó, ban quản lý chợ có thể kiểm soát tốt lượng người và thông tin người đi chợ theo số ngày ấn định trong thẻ. Tuy nhiên, ở đợt triển khai cấp "thẻ thông hành" gắn mã QR lần này, phạm vi áp dụng rộng lớn hơn, với nhiều đối tượng, thành phần.

Kiểm soát vé tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu)
Trong "trạng thái mới", thói quen của người dân bắt buộc thay đổi. Người dân luôn mang điện thoại thông minh bên người để quét mã QR mỗi khi đến một điểm đông người như bãi biển, khu công viên, UBND phường/xã, khu công nghiệp...
Quét mã QR tại trước cổng giữ xe xuống biển

Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cho biết, từ khi công nhân đi làm trở lại công ty vẫn bảo đảm các quy trình phòng, chống dịch như đo thân nhiệt tự động, khử khuẩn tự động. Với số lượng công nhân lên tới gần 3.800 người nên để không bị chậm khi kiểm tra thông tin, công ty đang mua thêm thiết bị, có thể triển khai check mã QR tự động thời gian tới.

Đến nay, có 97% các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch trong quá trình sản xuất; 90% doanh nghiệp thường xuyên thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19; 100% các doanh nghiệp triển khai tổ giám sát Covid-19 cộng đồng; 80% người lao động tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu Công nghệ thông tin tập trung đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19.

Sau khi nghe báo cáo ban đầu của ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng là các doanh nghiệp trong lần kiểm tra này đã có phương án chống dịch, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng biểu dương đối với sự chủ động của các cơ sở lần này. 

Song, bà Yến nhấn mạnh, khi kiểm tra, cần xem xét kỹ cách vận hành và tính khả thi của từng phương án để có nhìn nhận khách quan nhất về công tác triển khai phòng chống dịch của từng doanh nghiệp.

Công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam đang sản xuất

“Ở một khu thay đồ, vệ sinh, ăn uống, … có chừng 400-500 người thì công tác phòng, chống dịch sẽ như thế nào?. Phải đi sâu vào chuyên môn để có thể kiểm tra những lỗ hổng. Về mặt quản lý vận hành, người ta có thể chưa nhìn toàn diện thì nhân viên y tế khi tham mưu cho doanh nghiệp, đơn vị càng sâu chừng nào thì càng tốt chừng đó”, bà Yến lý giải.

Mặt khác, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng nghiên cứu ngành, đơn vị nào sẽ tổng hợp các cơ sở, hoạt động cần có phương án phòng chống dịch; kết hợp với sở TT-TT đã nắm được các cơ sở đã xây dựng phương án. Từ đó, xem xét TP Đà Nẵng đạt được mức độ nào của việc thực hiện phương án.

Ngoài ra, đối với những cơ sở, doanh nghiệp có quy mô, số lượng công nhân lớn không nằm trong khu công nghiệp như Công ty Dệt May Hòa Thọ, 29/3,... cùng với Ban quản lý phối hợp với sở Y tế tổ chức tập huấn vận hành ứng xử khi có ca mắc Covid-19.

Tin cùng chuyên mục