Đá ném ao bèo vẫn phải truy tìm viên đá

Ngày 21-9, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tổ chức hội thảo Tăng cường các cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng trong pháp luật phòng chống tham nhũng. 
Tất nhiên, không chờ đến hội thảo này, sự thật là việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có từ trước đến nay chưa bao giờ dễ dàng. Đây cũng là một trong những vấn đề nhức nhối nêu ra trong báo cáo tập hợp kiến nghị của cử tri dày tới 2.000 trang được gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. Câu trả lời là kết quả thu hồi chỉ đạt chưa tới 60% chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. 
Trong khi không thể trông chờ vào việc tự nguyện, tự giác nộp lại “quà tặng trên mức tình cảm” (kể cả sau khi đã bị phát hiện sai phạm) thì tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của ngành tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng thẳng thắn cho biết, tỷ lệ thi hành án còn thấp, nhiều việc kéo dài, có những việc chưa quyết liệt; nhất là đối với nhiệm vụ thu hồi tài sản trong các đại án về tham nhũng. Đơn cử như trong vụ án tại Vinashin, cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình bị tuyên bồi thường 500 tỷ đồng nhưng số tiền thi hành thu hồi được rất ít. Khoản tiền 38 tỷ đồng phải thi hành của ông Trần Hữu Chiều, cựu Phó Tổng giám đốc Vinashin, cũng chưa thi hành được, vì ông này “không còn tài sản nào khác”. Tương tự, khoản tiền trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines cũng không thu hồi được, vì cơ quan thi hành án xác minh thấy cũng “không còn tài sản”...
Trước đó, từ năm 2006 - 2016, theo số liệu tổng hợp từ Bộ Tư pháp, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện lên đến gần 60.000 tỷ đồng và trên 400ha đất, song phần thu hồi được chỉ đạt gần 5.000 tỷ đồng và hơn 200ha đất. Điều này có nghĩa là trong suốt 10 năm qua, có tới 90% tài sản bị tham nhũng đã “một đi không trở lại”. Nói như GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, những diễn biến trong phòng chống tham nhũng gần đây khiến người dân cả nước nức lòng, song kết quả thu hồi thấp dễ khiến cho đối tượng tham nhũng nảy sinh tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, vì vẫn có khả năng tẩu tán được một phần khá lớn tài sản có được do tham nhũng.  
Theo các chuyên gia pháp lý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước tiên, tài sản các quan chức đã không được minh bạch ngay khi được bổ nhiệm. Vì thế, rất khó để đối chiếu, xác định sự giàu lên một cách bất thường, bất minh của họ. Minh bạch ở đây không chỉ là kê khai, mà phải chứng minh được nguồn tài sản đó từ đâu, chứ không phải đến lúc bị điều tra mới đưa ra những lý do rất khó tin kiểu như được “bố mẹ cho thừa kế”, “em kết nghĩa tặng”, “nuôi gà”, “chạy xe ôm” hay “làm chổi đót”... Hai là, quy trình xử lý tin báo, tin tố giác tội phạm hiện vẫn thiếu chặt chẽ, trong nhiều trường hợp “om” tin không xử lý, không những tạo điều kiện cho tội phạm tham nhũng cố tình che giấu hành vi, tẩu tán tài sản, mà còn khiến cho người dân mất lòng tin, thậm chí thờ ơ, không buồn tố giác tội phạm tham nhũng. Ba là, hiện nay chỉ có thể thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng khi có bản án hình sự của tòa án, còn thiếu các biện pháp hiệu quả để phong tỏa, kê biên ngay từ khi mới phát hiện; trong khi quá trình điều tra, truy tố, xét xử thường kéo dài, người có tài sản dễ dàng đối phó.  
Nhìn thấy những bất cập này, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) - một dự án luật rất khó, đã từng phải lùi thời hạn trình một đôi lần - vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trình ra xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, khai mạc cuối tháng 10 tới đây. Góp ý về dự thảo luật, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng theo thủ tục tiền tư pháp, tức trước khi tòa án xét xử, thông qua việc phong tỏa, tạm giữ, truy nguyên tài sản tham nhũng. Đồng thời, cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý, chủ quản trong việc phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối tượng tẩu tán tài sản; sửa đổi quy định pháp luật theo hướng khi lượng hình, việc hoàn trả tài sản cần được xem là một tình tiết bắt buộc chứ không phải tình tiết giảm nhẹ. Hành vi phạm tội về tham nhũng phải xử lý nghiêm theo khung truy tố, còn việc hoàn trả tài sản tham nhũng là căn cứ giảm nhẹ một phần hình phạt hoặc là căn cứ để giảm án khi chấp hành hình phạt. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh các quy định trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng cơ quan điều tra có trách nhiệm làm rõ tài sản đang ở đâu, tẩu tán ra sao. GS-TS Lê Hồng Hạnh ví von: “Với phòng chống tham nhũng thì đá ném ao bèo cũng phải truy tìm cho được viên đá”.
Một yếu tố đáng lưu ý khác trong bối cảnh hội nhập là việc kê khai tài sản ở nước ngoài. Theo đó, cần bổ sung quy định về việc xác định tài sản ở nước ngoài; bổ sung chế tài giám sát chặt chẽ việc thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; nghiên cứu, quy định giải pháp giám sát tài khoản người trong gia đình hoặc cộng sự có liên quan tới cá nhân đang hoặc đã giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước... Thẩm quyền, trình tự, thủ tục hợp tác quốc tế trong việc thực hiện ủy thác hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài cũng là những vấn đề rất cần được làm rõ.
Chỉ có bằng cách đó, hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng mới có thể được nâng lên và cùng với đó, lòng tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng sẽ được củng cố. 

Tin cùng chuyên mục