Đặc quyền dược phẩm

Nghỉ việc, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn dược Novartis (Thụy Sĩ) Daniel Vasella có thể nhận mức bồi thường gần 6,5 triệu USD, tương đương 50% mức lương hiện tại (hơn 13 triệu USD). Thông tin gây choáng không chỉ vì mức lương quá cao mà còn vì mối nghi ngờ đằng sau nó: “Phải chăng sự thiệt thòi của bệnh nhân là phần bồi đắp lợi nhuận cho một ngành dược quá khỏe mạnh và béo bở”?

Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), lợi nhuận hàng năm của các hãng dược trên toàn cầu 300 tỷ USD. Thực tế, khoản lợi lớn này có được một phần nhờ các hãng dược đã chi khá mạnh tay cho các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, vận động hành lang để đưa thuốc vào thị trường. Ở Mỹ, các công ty bỏ ra trung bình 19 tỷ USD/năm để quảng bá sản phẩm, nhiều hơn bất cứ ngành công nghiệp nào, bao gồm cả tiền để “bôi trơn” giới chính trị gia, những nhà quản lý.

Năm 2008, Massachusetts (Mỹ) là bang tiên phong trong việc thông qua dự luật cấm trình dược viên các hãng dược biếu xén quà, tiền cho bác sĩ dưới bất kỳ hình thức nào nhằm bình ổn chi phí chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Người vi phạm mỗi lần sẽ bị phạt 5.000 USD. Tại Massachusetts cũng như nhiều nơi khác, các công ty dược đã chi hàng tỷ USD để “lấy lòng” bác sĩ kê toa. Ở châu Âu, nơi có nhiều hãng dược lớn, số tiền dành riêng cho việc vận động hành lang thuốc là 54 triệu USD/năm.

Người bệnh còn phải gánh thêm một nỗi khổ nữa là đặc quyền chế tạo thuốc, khiến bệnh nhân ở các nước đang phát triển, nước nghèo khó tiếp cận được thuốc tốt. Năm 2001, gần 40 công ty dược đa quốc gia kiện Nam Phi vì nước này đã chủ động sản xuất hoặc nhập từ Ấn Độ sản phẩm thuốc đặc trị HIV/AIDS (ARV - kháng virus) với giá chỉ 350 USD/người cho cả năm. Trong khi ở thời điểm đó, chi phí thuốc để mỗi người điều trị là 10.000 - 15.000 USD/năm (gấp gần 40 lần) nếu phải mua thuốc từ các hãng dược phương Tây, quá đắt đỏ so với mức sống của người dân Nam Phi, quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất thế giới.

Ngay sau đó, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thông qua Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS (về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ) trong lĩnh vực y tế nhằm ưu tiên hơn trong việc chăm sóc, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Điều này có nghĩa các nước được phép phá vỡ đặc quyền sản xuất trong những trường hợp cấp thiết. Thế nhưng, khi “đại dịch cúm H1N1” do WHO công bố đã bị lật tẩy là “không đáng để nâng lên mức đại dịch” nếu không có sự vận động nhiệt tình từ các hãng sản xuất vaccine thì mọi người mới cay đắng hiểu ra tất cả chỉ vì lợi nhuận.

Thậm chí, năm 2005, khi dịch cúm H5N1 hoành hành ở nhiều nước, một số nước nghèo dù tuyên bố có thể sản xuất vaccine ngừa cúm vẫn không được nhượng quyền, đành chấp nhận vi phạm đặc quyền sản xuất. Kể cả đến thời điểm này, tuy đã có Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS nhưng nhiều kiện thuốc gửi đến nước nghèo vẫn bị hải quan châu Âu tịch thu vì cho là vi phạm độc quyền sản xuất thuốc của các hãng dược lớn.

Nói chung, muốn vượt qua các thách thức trong lĩnh vực y tế, dược phẩm thực sự phải có một chiến lược toàn cầu, cần sự thấu hiểu từ cả phía người sản xuất lẫn bệnh nhân. Nhưng người bệnh bao giờ cũng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ngay cả ở những nước phát triển như Pháp, Mỹ… số người bị bệnh không dám đi khám do chi phí y tế quá cao. Quay trở lại trường hợp của Daniel Vasella để thấy sự bất công trong y tế mà người nghèo đang phải gánh chịu. Để thấy, thuốc cứu người đôi khi lại trở thành vũ khí!

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục