Đại học Quốc gia TPHCM: Tiên phong phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu


Trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp vật liệu giữ vai trò nền tảng, là động lực trong đổi mới quy trình chế tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 
Các nhà khoa học đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (ĐH Quốc gia TPHCM)
Các nhà khoa học đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (ĐH Quốc gia TPHCM)

Ở các quốc gia phát triển, đặc biệt các nước G7, công nghiệp vật liệu rất phát triển, có tỷ trọng đóng góp rất lớn, đóng vai trò chủ đạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, xây dựng, môi trường và cả an ninh quốc phòng. ĐH Quốc gia TPHCM là một trong những đơn vị đầu tàu của cả nước về tiên phong đầu tư và phát triển nguồn nhân lực khoa học vật liệu (KHVL).

Vẫn còn thiếu và yếu

Theo đánh giá của giới kinh tế và kỹ thuật, công nghệ vật liệu tiên tiến xếp thứ 3 trong số 10 công nghệ tiên tiến tiềm năng góp phần thay đổi ngành công nghiệp sản xuất toàn cầu. Theo Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số liệu điều tra năm 2017 cho thấy Việt Nam có 687 tổ chức nghiên cứu và phát triển quy mô khác nhau hoạt động trong lĩnh vực KHVL, tập trung chủ yếu ở Hà Nội (48,89%) và TPHCM (chiếm 19,07%). Về nhân lực, cả nước có khoảng 172.683 người tham gia hoạt động trong nghiên cứu và phát triển; chủ yếu hoạt động trong các tổ chức giáo dục đại học (chiếm đến 51,24%), các tổ chức nghiên cứu 19,8%, khối doanh nghiệp 15,17%, còn lại trong các tổ chức khác. Tổng kinh phí của Nhà nước chi cho nghiên cứu phát triển năm 2017 là 26.368 tỷ đồng, chiếm tới 0,52% GDP. Về công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới giai đoạn 2014-2019 là 12.431 bài báo, số bài báo trong lĩnh vực KHVL có 1.778 bài (chiếm 14,3%). Tuy nhiên, so với khu vực, chúng ta chỉ đứng thứ 5 sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia

Theo PGS-TS Đoàn Đình Phương, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Việt Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN), thực trạng chung hiện nay là lực lượng nghiên cứu mỏng và đầu tư thấp. Nguồn nhân lực thực hiện (tính trên 1.000 dân) của ta hiện nay chỉ đạt 0,7, tức dưới mức trung bình toàn thế giới. Thông tin từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thống kê một số quốc gia cho thấy, tỷ lệ bình quân của thế giới là 8,287, Israel là 17-18, Hàn Quốc 14,43, Nhật Bản 10, Trung Quốc 2,242… Cùng với đó, cơ chế quản lý mang tính kiểm soát cơ học không phù hợp với lĩnh vực KH-CN, thiếu tính kiến tạo; chiến lược quốc gia đề ra khá tốt nhưng thiếu đầu tư, thiếu quyết liệt trong triển khai.

PGS-TS Phan Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc Nano và phân tử (ĐH Quốc gia TPHCM) nhìn nhận: Vai trò của ngành KHVL ngày càng khẳng định là ngành mũi nhọn song, vẫn đối diện với nhiều thách thức. Trong lĩnh vực đào tạo, việc đầu tư trang thiết bị giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực KHVL nhiều hạn chế. Nguồn thu nhập của cán bộ giảng dạy, nghiên cứu còn khá thấp so với mặt bằng chung của các trường ĐH tại TPHCM. Vì vậy, chúng ta chưa làm chủ được nhiều công nghệ nguồn cốt lõi lĩnh vực công nghệ vật liệu, mới chỉ dừng lại ở mức độ làm chủ vài công đoạn, một số quá trình hoặc yếu tố công nghệ cao mang tính chuyên ngành. Đó là chưa nói đến công tác tuyển sinh ở một số cơ sở đào tạo chưa được như mong đợi. 

Sẽ đột phá về chính sách vĩ mô

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, trong lĩnh vực KHVL, ĐH Quốc gia TPHCM những năm qua đã tiên phong trong việc triển khai thí điểm đào tạo và nghiên cứu. Trong đó, đáng kể là quy mô đào tạo ngành KHVL bậc đại học khoảng 400 sinh viên/năm (chủ yếu là của Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Khoa học tự nhiên). Quy mô sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) mỗi năm hơn 100 học viên cao học, nghiên cứu sinh. Ngoài ra, còn có các ngành với KHVL như: vật lý, hóa học, y sinh… 

Về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực KHVL, ĐH Quốc gia TPHCM đã phối hợp với ĐH UCLA, ĐH Berkeley của Hoa Kỳ và các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu của Pháp tiên phong thành lập Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, Viện Công nghệ nano và đã đạt được nhiều kết quả tốt trong đào tạo và nghiên cứu về vật liệu tiên tiến. Cùng với đó, ĐH Quốc gia TPHCM chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất nhằm đáp ứng công tác đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này. Số lượng công bố khoa học lĩnh vực KHVL ngày càng tăng, đạt khoảng 250 bài báo/năm… Từ kết quả hợp tác này, ĐH Quốc gia TPHCM có những nhà khoa học tên tuổi trong lĩnh vực KHVL của thế giới. “Tuy nhiên, thực tế năng lực đào tạo hiện nay về nguồn nhân lực KHVL của Việt Nam rất hạn chế. Do đó, cần có những chính sách ở tầm vĩ mô thì mới giải quyết được bài toán nguồn nhân lực”, PGS-TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh. 

Ngày 10-4, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ KH-CN và ĐH Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các diễn đàn, hội thảo chuyên sâu do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, tổng hợp ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế phục vụ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương năm 2022 để ban hành nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Thực tiễn trên thế giới cho thấy không có quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển, bởi đây là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng của xã hội. Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Dù vậy, phải thừa nhận một thực tế là ngành công nghiệp vật liệu của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra. Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí. 

Có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu thiếu và yếu. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn bất cập, đòi hỏi Việt Nam cần có tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới. 

TS Đoàn Lê Hoàng Tân, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (ĐH Quốc gia TPHCM) phấn khởi: “Tôi thấy lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những đánh giá về vài trò quan trọng của ngành KHVL, xem là ngành công nghiệp nền tảng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đang xây dựng những đề án, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển hơn nữa ngành công nghiệp vật liệu, đặc biệt là nguồn nhân lực. Đây là một tin vui cũng là động lực đối với những nhà nghiên cứu KHVL vì sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển bền vững ngành công nghiệp vật liệu của quốc gia”.

PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH-CN:

Cần có chính sách thu hút nhân lực trình độ cao

Bên cạnh đào tạo, cần có chính sách thu hút các nhà khoa học giỏi tham gia nghiên cứu về công nghệ vật liệu. Lĩnh vực này hiện có nhu cầu lớn về nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao nên cần được lưu tâm thu hút. Hiện nay, Bộ KH-CN và Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo nghị định quy định hoạt động cho cơ sở giáo dục đại học, trong đó công nhận nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh. Hiện có khoảng 51,2% nhân lực (khoảng 90.000 người) làm công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ làm việc trong các trường đại học.

PGS-TS Phan Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (ĐH Quốc gia TPHCM):

Nhân lực KHVL “cung không đủ cầu”

Trong bối cảnh hiện nay, trước tác động sâu rộng của cuộc CMCN 4.0, nguồn nhân lực để phát triển lĩnh vực KHVL phải được xem là khâu đột phá, là vấn đề cốt lõi. Phát triển nguồn nhân lực trở thành nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… đã chuẩn bị chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao thì ở Việt Nam nguồn nhân lực cho lĩnh vực này còn hạn chế. Nguồn nhân lực KHVL chuyên sâu hiện trong tình trạng cung không đủ cầu.

Tin cùng chuyên mục