Góp sức cùng thành phố chống dịch
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cung cấp điện khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết ngay từ đầu tháng 2-2020, đơn vị đã triển khai nhiều phương án, giải pháp đảm bảo cung cấp điện (cho dù tình huống xấu nhất xảy ra) ở các địa điểm phục vụ phòng chống dịch Covid-19, các cơ sở điều trị bệnh Covid-19, các khu vực cách ly cấp thành phố, quận huyện và những địa điểm khác theo yêu cầu của địa phương. Đến nay, tổng công ty đã lập và triển khai phương án đảm bảo điện cho 149 địa điểm, bao gồm các bệnh viện, cơ sở y tế, các điểm cách ly tập trung trên địa bàn TPHCM để phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Trong đó, tất cả các địa điểm quan trọng đều được trang bị máy phát điện dự phòng. EVNHCMC đã hỗ trợ lắp đặt 4 máy phát điện dự phòng tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM (nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương), là nơi cách ly tập trung với số lượng người tiếp nhận rất lớn. Các công ty điện lực trực thuộc đã luôn bám sát địa bàn và tuân thủ chế độ báo cáo định kỳ hàng tuần, hoặc đột xuất, tình hình cung cấp điện của các địa điểm nêu trên về Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tổng công ty.
Song song đó, các đơn vị trọng yếu như Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP và các đơn vị thành viên, Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Công nghệ thông tin, Công ty Lưới điện cao thế, Công ty Dịch vụ điện lực… đều đã triển khai phương án xây dựng điểm vận hành dự phòng trong trường hợp cách ly trụ sở làm việc hiện tại và đã thực hiện diễn tập các phương án, tránh bị động trong tình huống cách ly có thể xảy ra. EVNHCMC cũng đã bố trí các công ty điện lực thành từng cụm, mỗi cụm từ 3-4 đơn vị để sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong việc điều hành lưới điện, xử lý sự cố trên địa bàn quản lý của đơn vị khác, trong trường hợp một đơn vị điện lực bị cách ly.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ đầu tháng 2, dưới trời nắng nóng, hàng chục nhân viên của Công ty Điện lực Củ Chi đã khẩn trương thi công cấp điện cho Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi và hoàn thành chỉ trong 2 ngày. Trong các ngày 22 và 23-3, Công ty Điện lực Củ Chi tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 với việc lắp đặt trạm biến áp lưu động 400kVA và máy phát dự phòng 250kVA, trồng 9 trụ và kéo 2 lộ ra với chiều dài khoảng 800m, cùng các thiết bị đóng cắt... Hệ thống này nhằm cấp điện cho 3 khu nhà hiện sử dụng làm nơi cách ly phòng dịch. Công ty Điện lực Củ Chi cũng đã hoàn thành các phương án cấp điện và xử lý sự cố, như thực hiện chuyển tải ngay khi một nguồn bị sự cố, hoặc cấp điện từ nguồn dự phòng là máy phát và trạm lưu động, để đảm bảo việc cung cấp điện không bị gián đoạn.
Trong nửa đầu tháng 3, khi TPHCM mở thêm bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 tại huyện Cần Giờ, Công ty Điện lực Duyên Hải đã tiến hành thi công lắp đặt trạm biến áp 22kV công suất 1.850kVA và một nguồn dự phòng là máy phát điện 800kVA để đảm bảo cấp điện phục vụ bệnh viện. Đơn vị cũng đã chuẩn bị phương án xử lý tình huống, như thực hiện chuyển tải trạm nếu xảy ra sự cố trạm đầu nguồn; chuyển tải tuyến dây nếu xảy ra sự cố tuyến dây cấp điện trung thế. Thực hiện phương châm “chuyển tải trước, xử lý sau” cùng với việc sử dụng nguồn máy phát dự phòng để không bị gián đoạn cung cấp điện trong thời gian khắc phục sự cố. Trước đó, Công ty Điện lực Duyên Hải đã hoàn thành các công trình và phương án đảm bảo cung cấp điện tại các cơ sở phòng chống dịch Covid-19 như Bệnh viện Huyện Nhà Bè, khu cách ly tập trung tại xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè) và tại Bệnh viện Huyện Cần Giờ cũ.
Tăng cường giao dịch trực tuyến với ngành điện
Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 và chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ ngày 1-4, EVNHCMC đã tạm hoãn một số công tác không cấp bách trong 15 ngày. Tuy nhiên, công tác đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và xử lý sự cố điện vẫn được các công ty điện lực bảo đảm thực hiện.
Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về điện được tiếp nhận và xử lý trên môi trường mạng, quá trình thanh toán tiền điện cũng được thực hiện thuận lợi bằng các hình thức không sử dụng tiền mặt như thanh toán qua ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, Mobile banking, Internet banking, SMS banking, hay các hình thức trích nợ tự động hàng tháng, thanh toán qua ví điện tử… Các dịch vụ điện trực tuyến và không sử dụng tiền mặt để thanh toán tiền điện vừa có ưu điểm là nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của khách hàng và thời gian đăng ký được linh hoạt. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, đây cũng là một giải pháp phòng chống dịch Covid-19 vì hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tránh nguy cơ lây lan dịch.
Trước đó, ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành điện cũng đã đẩy mạnh kêu gọi giao dịch trực tuyến thông qua các kênh: Tổng đài CSKH 1900.545454; Website CSKH https://cskh.evnhcmc.vn; Email: cskh@hcmpc.com.vn; Ứng dụng EVNHCMC CSKH; Page EVNHCMC trên Zalo; Cổng dịch vụ công quốc gia https://dichvucong.gov.vn |