Đảm bảo cho chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân

Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của nước ta hiện nay không phải không đầy đủ. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, từ khâu lập đề nghị xây dựng VBQPPL, chủ trì, tham gia soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, trình dự án, dự thảo đến ban hành VBQPPL. Trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của VBQPPL, thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành VBQPPL trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan. Quy định đầy đủ và cụ thể như vậy, nhưng vẫn có những VBQPPL có tính hiệu quả và thực tiễn không cao. Có những chủ trương, chính sách, quy định mà những người thực sự có chuyên môn trong lĩnh vực ấy chưa chắc đã hiểu đầy đủ.

Để bảo đảm cho việc ban hành các chủ trương, chính sách, VBQPPL đúng đắn, hợp lòng dân, các cơ quan tham mưu, chủ trì xây dựng chủ trương, chính sách cần đặc biệt chú trọng đến vai trò của các tổ chức xã hội, mà hiện nay là các tổ chức thành viên của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật, trong việc tham gia góp ý kiến, phản biện quá trình xây dựng chủ trương, chính sách, các dự án phát triển. Đặc biệt chú trọng và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực liên quan đến chủ trương, chính sách sẽ ban hành. Mở rộng dân chủ, minh bạch thông tin, trao đổi, đối thoại công khai, thẳng thắn để lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện của các nhà khoa học, của trí thức cho những dự thảo về các chủ trương, chính sách sẽ ban hành. Các nhà khoa học cần phản biện trên tinh thần xây dựng và khoa học.  

Vấn đề quan trọng là nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt cần thay đổi cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay, chuyển từ đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hàn lâm, sách vở sang đào tạo gắn chặt với thực tiễn sinh động đang diễn ra. Tuyển chọn, đào tạo, sử dụng được đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà phải là những người có tầm hiểu biết rộng, bao quát và đặc biệt phải thật sự gắn bó với nhân dân. Chỉ có thật sự gắn bó với nhân dân thì khi tham mưu, ban hành chủ trương, chính sách mới đưa được “hơi thở” sinh động của thực tiễn vào trong các chủ trương, chính sách.

Thạc sĩ VŨ TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục