Đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc

Chiều 2-2, Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND nhiệm kỳ 2011- 2016 đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND nhiệm kỳ 2011-2016

(SGGP).- Chiều 2-2, Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND nhiệm kỳ 2011- 2016 đã diễn ra tại Hà Nội.

Theo thông tin tại hội nghị, so với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2011-2016, số lượng đại biểu HĐND các cấp giảm, nhưng chất lượng được nâng lên cả về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Nhìn chung, sau gần 5 năm hoạt động, HĐND các cấp đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Một số địa phương đã chủ động, sáng tạo thí điểm áp dụng mô hình hoạt động phù hợp với tình hình thực tế, bước đầu có kết quả. Tuy nhiên, chất lượng của đại biểu HĐND chưa đồng đều, hiệu quả hoạt động giám sát chưa cao, hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tại một số địa phương còn hạn chế. Đáng lưu ý, do những khác biệt về cơ cấu tổ chức, điều kiện bảo đảm hoạt động, cơ chế phân cấp quản lý nên các kết quả đạt được cũng như hạn chế, bất cập trong hoạt động của HĐND mỗi cấp cũng có sự khác nhau.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, từ thực tiễn theo dõi hoạt động của HĐND, có thể khẳng định, đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Thực tiễn cho thấy nơi nào cấp ủy Đảng quan tâm, nhận thức đúng về vị trí, vai trò của HĐND, thì nơi đó HĐND được tổ chức tốt và hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, phải giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu, lựa chọn được những đại biểu có trình độ, năng lực, tâm huyết, có uy tín thực hiện nhiệm vụ…

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày tại hội nghị đã nêu khái quát nhiều thành công trong thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, khắc phục khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi để tập trung công tác chỉ đạo, điều hành và cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Báo cáo cũng thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Trong đó, tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển văn hóa và thực hiện công bằng xã hội nhiều mặt còn hạn chế, khắc phục còn chậm. Khoảng cách giàu nghèo còn lớn; việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém. Đặc biệt, vẫn còn một số chỉ tiêu trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước chưa đạt. Nhiều vấn đề bức thiết đặt ra đối với bộ máy hành chính địa phương, như phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giữa chính quyền ở địa bàn đô thị và ở địa bàn nông thôn; phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền địa phương thực hiện chưa đồng bộ; thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả chưa cao...

Trong số các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chính phủ đề nghị UBND các cấp tập trung các giải pháp và có các biện pháp cụ thể trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các định hướng, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực ở mỗi địa phương chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới 2016-2021. Đáng lưu ý, cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm hành chính của cán bộ, công chức các cấp gắn với việc thực hiện chế độ khen thưởng, động viên kịp thời và xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài; thực hiện tốt các chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc...

 Thay mặt Thường trực HĐND TPHCM trình bày tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị Quốc hội cần phân cấp mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn cho HĐND. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, qua quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, HĐND TPHCM đã kịp thời kiến nghị, đề xuất khắc phục nhiều hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư... Thực tế hoạt động của HĐND đã khẳng định rõ cơ sở lý luận về vai trò quan trọng của Thường trực và các ban HĐND đối với hiệu quả hoạt động của HĐND. Phát huy vai trò tích cực, chủ động của Thường trực, các ban HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND, đã được đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục