Đánh sập các hầm vàng trong phạm vi Vườn Quốc gia Sông Thanh

Việc đánh sập các hầm vàng trong Vườn Quốc gia Sông Thanh được xem là giải pháp quyết liệt, hữu hiệu ngăn chặn tình trạng “vàng tặc”, nhằm bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng các hệ sinh thái đặc trưng trong khu vực.

Ngày 8-1, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh khẩn trương chủ trì, phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Quân sự, Công an, UBND huyện Nam Giang, Phước Sơn và các cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch, phương án phù hợp, đánh sập các hầm vàng trong phạm vi Vườn Quốc gia Sông Thanh, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 23-1.

Một góc Vườn Quốc gia Sông Thanh
Trước đó, ngày 23-12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh thành Vườn Quốc gia. Vì vậy, việc đánh sập các hầm vàng trong Vườn Quốc gia Sông Thanh được xem là giải pháp quyết liệt, hữu hiệu ngăn chặn tình trạng “vàng tặc”, nhằm bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng các hệ sinh thái đặc trưng trong khu vực; Bảo vệ nguyên vẹn gần 50.000ha diện tích rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh vùng thấp và núi thấp, đặc biệt là bảo tồn được hàng ngàn héc-ta rừng Lim xanh và rừng Pơ mu đặc trưng trong các hệ sinh thái này..

Vườn Quốc gia Sông Thanh nằm trên địa bàn 12 xã thuộc 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), có tổng diện tích tự nhiên 76.670ha. Là vùng đa dạng sinh học trọng yếu toàn cầu, đồng thời là hành lang bảo tồn quan trọng toàn cầu bởi tầm quan trọng của quần thể động vật có vú nơi đây. Với 68 loài thú, trong đó có nhiều loài thú đặc hữu quý hiếm như mang Trường Sơn, thỏ vằn Trường Sơn, gấu ngựa,…; 130 loài chim; 168 loài bò sát lưỡng cư; 899 loài thực vật.

Tin cùng chuyên mục