Đặt tên sao cho hay?

Trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đề nghị cần quy định nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho con phù hợp với văn hóa, tránh những tên xấu, quá dài, không thuần Việt, bởi không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó cho cán bộ hộ tịch ở địa phương khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt.

Trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đề nghị cần quy định nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho con phù hợp với văn hóa, tránh những tên xấu, quá dài, không thuần Việt, bởi không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó cho cán bộ hộ tịch ở địa phương khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt.

 Đây là đề xuất khá đặc biệt, bởi dù trước nay có phản ánh ở những góc độ khác nhau nhưng chưa có ai đề nghị luật hóa việc đặt tên cho con. Nhưng đề xuất này liệu có khả thi? 

Thế hệ những người trên 30 tuổi về trước vẫn còn không ít trường hợp có cái tên “rất Việt” nhưng nghĩa rất kỳ cục, nhất là ở miền Tây Nam bộ, do tâm lý đặt tên xấu cho… dễ nuôi. Ngoài ra, còn những cái tên dài trên 6 âm tiết, đặt theo tên của người nước ngoài, hoặc tên của người dân tộc thiểu số nhưng khi phát âm lại nghe cứ như người Kinh… Những cái tên đó có thể gây mặc cảm, phiền toái cho cá nhân người mang tên và người làm công tác hộ tịch (như khó phát âm, khó ghi cho đúng…). Nhưng nếu luật hóa việc đặt tên thì có nhiều vấn đề gần như không thể giải quyết. Như, căn cứ nào để buộc người ta đặt tên không quá 5 hay 6 hoặc 7 âm tiết, hay do ý muốn chủ quan của người làm luật? Nên hiểu thế nào là “thuần Việt”, thế nào “phù hợp văn hóa”, thế nào là “tên xấu”? Làm sao xác định được cái tên nào phù hợp với dân tộc nào?

Như vậy, đề xuất là một việc nhưng nếu có thể luật hóa và triển khai thực hiện thì sẽ có rất nhiều điều khó lường. Từ đó thấy rằng, việc đặt tên gì là của quyền cá nhân, miễn tên đó không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, không có ý xúc phạm người khác, không trùng tên với một số tên danh nhân… Các trường hợp loại trừ phía sau cũng khó có thể luật hóa mà chỉ dựa trên sự tuyên truyền, vận động. Cán bộ làm hộ tịch chỉ có thể tuyên truyền rằng, một số cái tên nào đó không thực sự phù hợp, có thể gây ra những phiền toái hay bất tiện cho người được mang tên sau này chứ khó từ chối thực hiện yêu cầu bởi gần như rất khó vận dụng quy định vào việc này.

Một cái tên thường được xét ở góc độ hay, có ý nghĩa, độc đáo, thường thể hiện cái nhìn, mong muốn hoặc ghi lại kỷ niệm, tình cảm với vùng đất hoặc cá nhân nào đó. Chẳng hạn, một người vì tri ân một người nước ngoài nên đã đặt tên con theo tên người đó, hoặc một người có kỷ niệm với một đất nước đã đặt tên theo tên nước đó…, nên khó lấy lý do gì để cấm người ta. Vì vậy, cái hay, cái ý nghĩa, độc đáo đó phần nhiều mang tính cá nhân, rất khó thể hiện tính phổ quát để có thể luật hóa.

TRỊNH MINH GIANG (quận Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục