(SGGPO).- Sáng 30-12, HĐND TPHCM tổ chức kỳ họp bất thường, kỳ họp thứ 17, khóa VIII. Tại kỳ họp này, HĐND TPHCM đã thông qua Dự thảo Nghị quyết tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn TPHCM; Dự thảo Nghị quyết bảng giá đất trên địa bàn TPHCM công bố ngày 1-1-2015; Dự thảo Nghị quyết tổ chức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí qua cầu Phú Mỹ. Các Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Theo Dự thảo Nghị quyết tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn TPHCM vừa được thông qua, UBND cấp xã, phường, thị trấn sẽ tiến hành thu, qua 2 phương thức: người nộp phí sẽ đến UBND xã, phường, thị trấn để nộp phí; hoặc UBND xã, phường, thị trấn cử cán bộ đến nhà người dân thu và cấp biên lai thu phí cho người nộp phí.
Đối tượng thu phí: phương tiện xe máy bao gồm xe máy 2 bánh, xe gắn máy (không kể xe máy điện) có đăng ký biển số xe tại TPHCM hoặc xe đăng ký biển số xe tại địa phương khác nhưng hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại TPHCM.
Đầu năm 2015, TPHCM sẽ phu phí sử dụng đường bộ xe máy. Ảnh: Cao Thăng
Trường hợp xe máy đăng ký tại TPHCM nhưng đã nộp phí tại địa phương khác thì không phải nộp phí tại TPHCM tương ứng với thời gian đã nộp phí.
Cụ thể, mức thu phí là 50.000 đồng/năm đối với loại xe có dung tích xylanh đến 100 cm3; 100.000 đồng/năm đối với loại xe trên 100 cm3 - 175 cm3; 150.000 đồng/năm đối với loại xe trên 175 cm3.
Các trường hợp được miễn thu: xe của lực lượng công an, quốc phòng; xe của chủ phương tiện là hộ nghèo theo quy định của pháp luật về hộ nghèo tại TPHCM.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, phí thu được sau khi đã khấu trừ cho đơn vị thu phí sẽ để lại một phần cho UBND quận, huyện chi cho công tác bảo trì hệ thống cầu đường bộ trên địa bàn quản lý.
Về chế tài đối với người không nộp phí sử dụng đường bộ sẽ bị xem xét xử phạt theo quy định tại Điều 6 của Thông tư số 186/2013/TT-BTC.
Theo đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí. Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định; mức phạt tối đa là 50 triệu đồng.
UBND phường, xã, thị trấn sẽ là cơ quan kiểm tra việc chấp hành việc nộp phí xe máy. Trong quá trình kiểm tra trên đường, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ nhắc nhở (không xử phạt) khi người dân không mang theo biên lai nộp phí.
Dự kiến, với khoảng 6 triệu xe máy, TPHCM sẽ có thêm 300 tỷ đồng/năm để sửa chữa đường nếu áp dụng mức thu tối thiểu 50.000 đồng.
Mặc dù Dự thảo Nghị quyết đã được thông qua nhưng trước đó, ở phần thảo luận, nhiều ý kiến còn băn khoăn trong việc thu phí xe máy. Nhận định thực tế cuộc sống và luật có thể "lệch pha" nhau, đại biểu Trần Quang Thắng đề nghị UBND TP phải tổ chức sơ kết, thống kê sau 2 năm thu phí đường bộ để có sự đánh giá kết quả của việc thu phí. "Nếu kết quả lệch pha lớn là cơ hội để chúng ta điều chỉnh luật nhanh hơn. Đồng thời, mức chế tài cần cân nhắc thêm vì đối tượng vi phạm sẽ là những người thu nhập thấp. Vì vậy, chúng ta nên cân nhắc để tạo sự đồng thuận", đại biểu Trần Quang Thắng nêu ý kiến.
Về vấn đề giao cho cấp xã, phường, thị trấn thu, đại biểu Lê Trương Hải Hiếu cho rằng, đây là việc “hơi khó”. Bởi lẽ, dữ liệu đăng ký xe máy do Công an quận, huyện quản lý nên để thuận lợi hơn trong việc theo dõi, tổ chức thu thì cần chia sẻ dữ liệu này cho các xã, phường, thị trấn.
Đại biểu Lâm Thiếu Quân đề cập đến những bất lợi trong cách thu. Theo ông Quân, nếu thu phí sử dụng đường bộ đối với 40 triệu xe máy qua xăng dầu chỉ cần 40 người tính toán trên máy tính. Nếu cần tính toán loại trừ xăng dầu không dùng cho giao thông thì có thể kiểm tra thu qua các cây xăng cũng chỉ cần 400 người. Còn thu theo đầu phương tiện thì 40 triệu người sẽ phải đi nộp phí. Hơn nữa, TPHCM có đến 20% xe máy ngoài tỉnh, chưa kể vấn đề xe không chính chủ sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn khi thực hiện. TPHCM lại chưa có cơ chế xử phạt, nhân viên thanh tra thuế với tài chính cũng không có thời gian để đi kiểm tra người nộp, người không nộp.
Thay mặt UBND TPHCM, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín tiếp thu ý kiến của các đại biểu và cho biết, TP sẽ tổ chức cuộc họp do Chủ tịch UBND TP chủ trì để bàn tiếp về phương pháp tổ chức đạt hiệu quả cao nhất, cũng như thông báo cụ thể về tỷ lệ tiền phí để lại cho các địa phương.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn của các đại biểu, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu việc tổ chức thu phí phải đảm bảo công bằng, thu đúng, thu đủ, công khai, minh bạch, không để xảy ra thoát thoát, tiêu cực, lãng phí. Trong quá trình triển khai thực hiện còn gì bất cập, hoặc xét thấy còn thêm đối tượng nào cần được miễn, giảm UBND TP báo cáo Thường trực HĐND TP đề nghị Trung ương xem xét, giải quyết.
|