Sự kiện Fitch, Standard& Poor’s (S&P) tiếp tục hạ bậc tín dụng 5 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) xuống mức A, A- và hạ luôn mức tín nhiệm của Quỹ ổn định tài chính châu Âu từ AAA xuống AA+ trong bối cảnh khu vực này đang tìm mọi biện pháp để thoát khỏi khủng hoảng nợ công đã làm “giọt nước tràn ly”, buộc châu Âu phải tính đến kế hoạch tự thiết lập một cơ quan đánh giá tín dụng.
Từ năm 2009 đến nay, những đánh giá của “3 ông lớn” Fitch, S&P, Moody’s đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của các quốc gia châu Âu khi không thể công bố chi tiết chuẩn mực cho việc đánh giá tụt hạng tín dụng cũng như vội vã hạ xếp hạng tín dụng của các nước châu Âu mắc nợ, bất chấp các gói cứu trợ và chương trình thắt lưng buộc bụng.
Sau thời gian cuống cuồng tìm các biện pháp ứng cứu Hy Lạp và các quốc gia trong eurozone để thoát khỏi những mức đánh giá tụt hạng, các nhà hoạch định chính sách châu Âu nhận ra các xếp hạng của Fitch, S&P, Moody’s đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua. Do vậy, ý tưởng thành lập một hãng xếp hạng tín dụng châu Âu của ông Roland Berger, người sáng lập hãng tư vấn Roland Berger, ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ của Ủy ban châu Âu, các nước Ả Rập, các quốc gia châu Á. Dự kiến, hãng xếp hạng tín dụng mới sẽ ra mắt từ 6 đến 9 tháng tới tại Hà Lan, sau khi huy động 300 triệu EUR tiền vốn hoạt động của các nhà đầu tư châu Âu. Hãng xếp hạng mới của châu Âu sẽ tạo sự khác biệt với các đối thủ bằng cách nhận trách nhiệm với các phân tích của mình. Điều này có nghĩa là khách hàng có thể yêu cầu hãng bồi thường thiệt hại nếu không đưa ra được các phân tích chính xác.
Hiện nay, về mặt pháp lý, các hãng xếp hạng tín dụng đều chỉ là ý kiến đơn thuần và không chịu bất cứ trách nhiệm nào về pháp luật đối với đánh giá của mình. Nếu kế hoạch thành công, châu Âu sẽ tự kiểm soát được mức xếp hạng tín dụng, tránh sự ảnh hưởng lớn từ mức đánh giá của ngoại quốc đang gián tiếp gây sóng gió cho nỗ lực tái thiết tình hình tài chính ổn định của eurozone.
Trong nhiều năm qua, S&P, Moody’s và Fitch đã gầy dựng tầm ảnh hưởng lớn trong thị trường đánh giá tín dụng, không chỉ có thể làm thay đổi số phận của các công ty mà còn có thể thay đổi vận mệnh của một quốc gia và cả thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, các hãng này không thể đưa ra những phân tích thâm sâu, thậm chí còn nhiều lần đưa ra những đánh giá và dự báo sai lầm. Cả ba không dự báo được khủng hoảng tài chính châu Á, khủng hoảng địa ốc ở Mỹ, sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers và khủng hoảng nợ châu Âu. Vụ điển hình xảy ra gần đây nhất vào tháng 12-2009, Moody’s ra báo cáo khẳng định “sự lo ngại của giới đầu tư đối với tài chính Hy Lạp là không có cơ sở”. Sáu tháng sau, Athens chìa tay nhận gói giải cứu 147 tỷ USD của châu Âu.
Suy cho cùng, nếu chỉ dựa trên những đánh giá tín dụng không khách quan, dự báo sai lệch, hậu quả của nó rất khó lường. Vì thế, việc châu Âu xây dựng một cơ quan xếp hạng tín dụng mới có sự giám sát chặt chẽ trong bối cảnh này âu cũng là điều cần thiết vì đầu tư cho sự minh bạch vốn không bao giờ thừa.
>> 5 nước khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) bị hạ bậc tín nhiệm
Thanh Hằng