Năm 2013, cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm khi nhiều trẻ em bị chết đuối. Theo số liệu của Bộ LĐTB-XH, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do chết đuối cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Ước tính bình quân mỗi ngày ở nước ta có đến 10 trẻ em bị chết đuối. Nhiều người vẫn tưởng ĐBSCL là vùng sông nước thì tỷ lệ trẻ em biết bơi cao. Nhưng thực tế không phải vậy, chỉ 30% trẻ em vùng ĐBSCL ở độ tuổi dưới 15 biết bơi. Còn ở các tỉnh khác trong nước, chỉ có không quá 20% số học sinh biết bơi.
Vì sao có nhiều trẻ em không biết bơi, trong khi từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tiểu học phổ cập bơi lội cho học sinh? Có một thực tế là ở các trường học vẫn có nhiều môn phải dạy “chay” do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thế nên tại nhiều trường, không thể tổ chức dạy bơi, do không có hồ bơi. Bóng đá cũng đang là môn thể thao “xa xỉ” vì thiếu sân bãi, nói gì đến bơi lội với bể bơi tiêu chuẩn. Muốn xây được một bể bơi ở trường học, chi phí khá lớn.
Chỉ có một số trường tư có kinh phí xây bể bơi cho học sinh, còn các trường công lập chỉ biết trông chờ vào ngân sách nhà nước. Ngay tại TPHCM, chỉ có khoảng 100/1.800 trường học có thể bố trí cho học sinh học bơi tại hồ bơi. TPHCM là một trong những địa phương có thành tích cao về môn bơi lội, nhưng tỷ lệ học sinh biết bơi rất ít, chỉ từ 10% - 15%. Hiệu quả chưa cao khi chương trình dạy bơi còn nặng lý thuyết, ít thực hành.
Chẳng lẽ cứ để học sinh học bơi trên giấy mãi sao? Trẻ em chết đuối là một thực trạng không nên để kéo dài, cần có biện pháp cụ thể, chứ không phải bằng chỉ thị trên giấy. Cần quan tâm tạo điều kiện đầu tư cho từng địa phương có hồ bơi để hỗ trợ việc thực hiện phổ cập bơi lội cho học sinh ở các trường trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh và hiệu quả hơn nữa việc tổ chức phối hợp giữa các ngành GD-ĐT, LĐTB-XH, chính quyền, đoàn thể địa phương trong việc phòng chống tai nạn sông nước đối với trẻ em, nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị chết đuối.
LÊ TƯỜNG VI