Nghe chuyện 60 hộ dân ở hẻm 170 đường Bùi Đình Túy (Bình Thạnh, TPHCM) không có nước máy suốt gần 20 năm nay, nhiều người kinh ngạc, tưởng như chuyện khốn khổ thời bao cấp. Sống giữa một TP đang đổi mới từng ngày, tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt, vậy mà những người dân nơi đây vẫn ngày ngày phải xách xô đi hứng nước hoặc phải xài nước giếng nhiễm phèn là chuyện không thể chấp nhận được.
Người dân địa phương càng bất bình hơn với cách trả lời của lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định khi cho rằng đây là khu vực mới dỡ bỏ quy hoạch treo, nên muốn lắp đặt mạng lưới cấp nước, người dân phải tự bỏ ra 151 triệu đồng để đầu tư, bằng không phải chờ đến đại hội cổ đông của công ty vào tháng 4-2014 mới có thể đưa dự án này ra bàn bạc, nhưng khả năng rất khó khả thi vì quy mô dự án nhỏ, hiệu quả chưa cao (!?).
Nếu ở thời bao cấp, khó khăn trăm bề, nhất là nguồn vốn, cách trả lời của ngành cấp nước còn có thể chấp nhận được, nhưng nay thì không thể. Như bà bán hàng xén, muốn bán được, phải sắm cái cân, ngành cấp nước muốn phát triển hoạt động hiệu quả, phải trang bị hệ thống đường ống. Có một điều lạ, nhiều nơi không có nước, nóng lòng nên người dân tự bỏ tiền ra đầu tư đường ống hay đồng hồ tổng, nhưng thời gian sau, hạ tầng hay thiết bị này mặc nhiên được xem là tài sản của ngành cấp nước, dù ngành cấp nước không đầu tư gì cả.
Cách nay 10 - 15 năm, khi nguồn điện còn khó khăn, muốn gắn điện kế, người dân phải đóng tiền; xin mắc đồng hồ 3 pha còn trần ai hơn nữa. Nhiều nhân viên điện lực nhân cơ hội này để… kiếm thêm. Mấy năm sau, ngành điện đổi mới, gắn điện kế miễn phí cho dân, vài nhân viên điện lực ăn quen, làm khó bằng cách trả lời “trở ngại kỹ thuật”. Dân kêu, ngành điện lực công khai quy trình lắp đặt điện kế nên tiêu cực cũng hết đường. Bây giờ chuyện xin cái đồng hồ điện dễ như trở bàn tay, cứ lên mạng điền đơn yêu cầu (không phải “đơn xin”) thì sẽ được lắp đặt miễn phí, bà con hào phóng thì tự nguyện bồi dưỡng chút đỉnh cho mấy chú leo trụ, còn không thì thôi. Từ chuyện ngành điện, nhìn sang ngành cấp nước mà nóng ruột. Thời buổi khó khăn, thu nhập thấp, 151 triệu đồng đối với 60 hộ dân là số tiền không nhỏ. Nếu không có đủ số tiền này, chắc bà con cứ phải chấp nhận số phận chiều chiều xách thùng đi hứng nước.
Nước, điện, giao thông… là những ngành dịch vụ công do Nhà nước quản lý, không thể nhân danh cổ phần rồi cái gì cũng bắt người dân phải đầu tư. Nếu là công ty cổ phần, là đơn vị kinh doanh thì ngành cấp nước phải đầu tư trang bị hệ thống đường ống, chứ không phải người dân.
Đừng đẩy cái khó cho dân, đó là điều người dân mong muốn và các cấp chính quyền cũng cần vào cuộc can thiệp để bà con ở những con hẻm nghèo được hưởng những tiện ích tối thiểu của cuộc sống.
TRẦN NGỌC (Bình Thạnh, TPHCM)