Đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

Đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2010, cả nước có 53 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm 61% dân số, nghĩa là còn khoảng 33 triệu người phải tự thanh toán hoàn toàn chi phí khám, chữa bệnh khi đến các cơ sở y tế.

Trong hơn 10 năm triển khai chủ trương đa dạng các loại hình BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương, chủ lực là hệ thống BHXH Việt Nam, và ngành y tế đã nỗ lực cố gắng, tuyên truyền vận động kết hợp bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người tham gia nên thu hút ngày càng đông đối tượng, góp phần tích cực đưa một chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, lộ trình tiến hành vẫn còn nhiều bất cập, thiếu các giải pháp đồng bộ, dẫn đến một bộ phận lớn người dân chưa được hưởng chế độ khám, chữa bệnh thông qua BHYT.

Đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân ảnh 1

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 khám bệnh cho bệnh nhi. Ảnh: MAI HẢI

Trước hết, đối với bệnh nhân BHYT, hiện tại yếu tố đồng chi trả chi phí khám, chữa bệnh thực tế đã nảy sinh không ít bất cập, ví dụ như nhóm người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn phải bỏ ra 5% chi phí điều trị. Đây là vấn đề hết sức nan giải, bởi diện hộ nghèo được nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí, song lại phải đồng chi trả thì lấy đâu tiền trang trải cho những căn bệnh hiểm nghèo đòi hỏi chữa trị dài ngày, chi phí lớn, trong khi giá tân dược viện phí, dịch vụ y tế tăng chóng mặt? Thứ hai là phạm vi điều chỉnh của đối tượng tham gia BHYT nói chung chưa đủ sức thuyết phục, thu hút cộng đồng vào cuộc. Còn hàng chục triệu người dân chưa tham gia BHYT.

Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần có quyết sách cải tiến chế độ BHYT, theo đó bỏ phương thức đồng chi trả cho bệnh nhân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số diện được nhà nước cấp thẻ BHYT. Bổ sung, điều chỉnh Luật BHYT, quy định mọi tầng lớp nhân dân đều phải mua BHYT bắt buộc (trừ các đối tượng thuộc diện cấp thẻ miễn phí) mới hy vọng đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT, để tất cả mọi công dân đều được hưởng chế độ khám, chữa bệnh BHYT.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT


Cần tăng chất lượng khám chữa bệnh

Báo chí ngày 23-5 đưa tin “Bộ Y tế đang hoàn tất việc đưa ra khung giá mới đối với hàng trăm dịch vụ y tế, trong đó có không ít dịch vụ tăng đến 10 lần. Theo tính toán của Bộ Y tế, viện phí hiện nay thu theo dịch vụ, nếu có điều chỉnh viện phí thì chỉ người bệnh nào sử dụng các dịch vụ trong số 350 dịch vụ này mới phải trả thêm tiền. Về mức tăng cụ thể, trong số 350 dịch vụ thì có 220 dịch vụ có mức tăng dưới 2,5 lần, khoảng 70 dịch vụ có mức tăng 7 - 10 lần”.

Theo tôi, viện phí tăng, chất lượng khám chữa bệnh cũng phải tăng, nhất là khi người bệnh đã trả đủ tiền theo quy định, họ phải được sử dụng mỗi người một giường bệnh. Ngành y tế cũng cần có kế hoạch đào tạo lại, đào tạo thêm cho các thầy thuốc tuyến dưới, thầy thuốc công tác tại các bệnh viện vùng sâu vùng xa nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Về vấn đề này, ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế, cũng đã thừa nhận: Chất lượng khám chữa bệnh nhìn chung còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tuyến y tế cơ sở. Có rất ít chương trình kiểm soát đảm bảo chất lượng dịch vụ. Kết quả kiểm tra ở một số bệnh viện cho thấy có tình trạng chỉ định xét nghiệm hàng loạt (về máu, nước tiểu, X-quang, siêu âm, điện tim) cho tất cả các bệnh nhân BHYT mà không phân biệt tình trạng bệnh lý.

Một nghiên cứu về chất lượng trên 416 phim X-quang chụp tại 6 bệnh viện của 3 tỉnh cho thấy kết quả đáng lo ngại về chất lượng phim cũng như kết quả đọc phim tại các bệnh viện này: có 7% - 48% phim chụp không đạt tiêu chuẩn chất lượng do sai về tư thế chụp và sai về kỹ thuật chụp; kết quả đọc phim không phù hợp với kết quả chẩn đoán từ 22% - 61%. Hậu quả của việc này là dẫn đến kết luận sai với các tình huống: kết luận có bệnh khi thực tế không có hoặc ngược lại”.

Một vấn đề nữa cũng cần được Bộ Y tế làm sáng tỏ là tại sao rất nhiều bệnh viện tư (không được nhà nước hỗ trợ) khi khám chữa bệnh BHYT cũng chỉ được thanh toán cùng mức giá như bệnh viện công nhưng không thấy họ kêu lỗ. Thậm chí, số bệnh viện tư tham gia khám chữa bệnh BHYT liên tục tăng trong các năm qua?

BÙI HIỂN

Tin cùng chuyên mục