Giáo dục hướng nghiệp và tư vấn học đường là một nhu cầu không thể thiếu đối với học sinh. Thế nhưng cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra được khung chính sách cho vấn đề này. Trong hệ thống giáo dục phổ thông và đại học hiện nay, chỉ tính mỗi trường cần có ít nhất một cán bộ đào tạo về hướng nghiệp, thì nhu cầu nhân lực đã lên tới 10.000 người. Như vậy, Bộ GD-ĐT đang khuyết hẳn một bộ phận về tư vấn giáo dục chuyên nghiệp.
Nhìn vào bộ sách hướng dẫn tuyển sinh hàng năm của bộ thì thấy, cũng chỉ thông tin sơ sài, xoay quanh việc giới thiệu về mã trường, môn thi, chỉ tiêu tuyển sinh… mà thiếu hẳn phần giới thiệu sâu về các trường, các ngành học, đặc điểm yêu cầu của ngành đó đối với người học, và nhiều thông tin cần thiết kèm theo khác như hướng dẫn các em nên học trường nào, theo ngành nghề gì là phù hợp với khả năng, điều kiện của từng cá nhân...
Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc hướng nghiệp cho con em mình ngay từ khi còn ở các cấp học phổ thông. Bởi vậy không ít học sinh khi đặt bút làm hồ sơ thi vào các trường ĐH-CĐ... mới vỡ lẽ rằng mình biết quá ít, quá nông về các nghề trong xã hội. Nhiều học sinh lúng túng trong việc chọn trường, chọn ngành học. Một số học sinh có ý thức tự tư vấn cho mình bằng cách tự tìm đọc tài liệu, thì vấp phải thực tế là chưa có một tài liệu sách vở nào nghiên cứu, giới thiệu về trường lớp, ngành nghề đào tạo cho các em.
Vì vậy, theo một khảo sát mới đây, đa số học sinh bày tỏ khát khao được tư vấn, hướng nghiệp để vững tin khi lựa chọn ngành học. Vì vậy, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là rất cần thiết và hết sức cấp bách của ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Các phương tiện thông tin đại chúng đã cung cấp nhiều thông tin đáng tin cậy, đã tổ chức được nhiều chương trình tư vấn thiết thực và bổ ích cho thí sinh.
Việc chọn học một ngành nghề cho tương lai sau này của các em là rất quan trọng. Vì vậy công tác tư vấn, hướng nghiệp cần phải tổ chức thường xuyên, liên tục (chứ không phải đợi đến khi có các kỳ thi) để các em khi chọn nghề biết kết hợp các yếu tố: nguyện vọng, năng lực của cá nhân, những đòi hỏi của nghề nghiệp và yêu cầu của xã hội.
Có như vậy sau này các em mới có thể phát huy tất cả đam mê, kiến thức của mình được học vào công việc.
Hạ Uyên