Để không tái diễn việc hành hạ công nhân

Mấy ngày qua dư luận bức xúc về vụ một chủ quản của Công ty Giày Hong Fu Việt Nam bắt nữ công nhân tự đổ keo dán sắt lên tay và dính hai bàn tay lại với nhau.

Mấy ngày qua dư luận bức xúc về vụ một chủ quản của Công ty Giày Hong Fu Việt Nam bắt nữ công nhân tự đổ keo dán sắt lên tay và dính hai bàn tay lại với nhau.

Theo báo cáo của phía chủ công ty, công ty này đã nghiêm cấm công nhân dùng keo 502 để dán, xử lý những sản phẩm bị lỗi, nhưng công nhân vẫn lén lút mang theo để xử lý những đôi giày bị hở keo. Cho dù công nhân này có lỗi, người chủ quản cũng không được phép hành xử như vậy. Công nhân có lỗi thì đã có quy chế của công ty, thậm chí cho thôi việc, đuổi việc. Nói vậy là đúng quá rồi, nhưng tôi cũng băn khoăn rằng không nên chỉ nói một chiều, chỉ có trách người.

Đã biết công ty quy định cấm mà công nhân vẫn lén lút dùng keo dán sắt để dán giày. Tại sao công nhân làm vậy? Phải chăng sản phẩm có lỗi, phải đưa sửa ắt hẳn họ bị trừ thưởng, và vì vậy họ đã bất chấp quy định của công ty, vốn nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo thương hiệu. Hành động của họ nếu không bị phát hiện tất có sản phẩm kém chất lượng được bán ra thị trường, được xuất khẩu và trường hợp xấu có thể bị trả lại, gây hại cho doanh nghiệp.

Tôi đã có lần dùng keo 502 để dán chỉ miếng lót giày bị khô keo bong ra, kết quả keo đông cứng, lổn nhổn trong lòng giày, miếng lót trở nên giòn, cứng quèo và sau đó ít bữa cũng không kết dính tốt với giày, phải lột bỏ. Chính vì thế tôi nghĩ công nhân làm giày hẳn phải hiểu hơn để không được dùng loại keo dán sắt để dán giày.

Từ chuyện này tôi cho rằng không chỉ trong ngành giày mà ở bất kỳ ngành sản xuất nào, công đoàn cần nâng cao vai trò của mình trong việc tuyên truyền giáo dục ý thức trách nhiệm, sự trung thực, thái độ làm việc của công nhân. Công nhân phải làm việc có trách nhiệm, tự hào vì sản phẩm mình làm ra để đem lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao. Vấn đề đặt ra là cần hướng dẫn công nhân cách bảo vệ mình, có phản ứng thích hợp, đúng luật trong những trường hợp bị chủ lao động hành hạ.

Mỹ Dung (Bình Dương)

Tin cùng chuyên mục