Nhân đọc bài: “Chất lượng lao động” trên Báo SGGP số ra ngày 31-7-2008, tôi có đôi điều muốn trao đổi. Chất lượng nguồn lao động có rất nhiều yếu tố chi phối. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay, theo tôi, đó chính là ý thức kỷ luật.
Người lao động Việt Nam xưa nay vẫn được xem là cần cù chịu khó, thông minh, nhanh nhẹn, ngoại ngữ cũng không quá tệ nhưng lại chưa bao giờ được công nhận là có tác phong công nghiệp tốt. Trong đó, yếu nhất vẫn là tinh thần kỷ luật kém. Điển hình như tình trạng đi làm muộn giờ. Nếu như tại các quốc gia khác, việc đi làm đúng giờ là thước đo của tác phong công nghiệp thì ở nước ta lại không như vậy. Hầu như ai cũng có quyền cho mình đi làm muộn ít nhất là vài lần trong một tháng. Thậm chí, tình trạng nghỉ việc không phép, vắng đột ngột cũng được xem là việc rất bình thường!
Người lao động Việt Nam ý thức kỷ luật kém, một phần xuất phát từ chính Bộ luật Lao động. Hiện nay, Bộ luật Lao động quy định các biện pháp được phép áp dụng để xử lý một nhân viên vi phạm kỷ luật rất bất hợp lý và quá nhẹ (không có tính chất răn đe). Theo đó, khi một nhân viên vi phạm kỷ luật thì bắt buộc phải xử lý theo trình tự các cấp phạt: khiển trách miệng - kỷ luật cảnh cáo - chuyển làm công việc khác - cách chức (với nhân sự có chức vụ) - sa thải.
Tức là, tất cả các biện pháp xử lý kỷ luật nêu trên đều thuần túy mang tính chất hành chính. Trong khi đó, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động lại là một quan hệ kinh tế (mua bán sức lao động). Việc quy định bắt buộc sử dụng các biện pháp hành chính, cấm sử dụng biện pháp kinh tế trong một quan hệ kinh tế là rất khập khiễng và thiếu tác dụng.
Trong khi đó, tại hầu hết các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã xác định rằng, quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là quan hệ kinh tế nên mọi vi phạm hợp đồng giữa 2 bên đều chủ yếu sử dụng các biện pháp kinh tế. Theo đó, người đi làm muộn, hoặc vắng mặt ở nơi làm việc là đã vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại (gián tiếp và trực tiếp) cho tổ chức thì sẽ không bị khiển trách hay cảnh cáo bằng miệng, mà sẽ phạt tiền hoặc buộc người vi phạm phải bồi thường.
Xuất phát từ quan điểm rất hợp lý này mà tại các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... việc nhân viên đi làm muộn, vi phạm kỷ luật bị phạt tiền nặng là rất bình thường. Chính vì vi phạm kỷ luật lao động sẽ bị đánh thẳng vào túi tiền, sẽ bị mất tiền nên người lao động rất ngán ngại. Đây là điều cốt tử, giải thích vì sao người lao động tại các quốc gia khác lại sợ vi phạm kỷ luật lao động như vậy. Thậm chí, mức phạt tiền đôi khi còn lớn hơn nhiều so với thiệt hại gây ra cho tổ chức.
Một cầu thủ bỏ một buổi tập bóng đá hoàn toàn có thể bị phạt tới 1/2 tháng lương. Hiện nay Việt Nam đã hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thì theo tôi, một số quy định của pháp luật cũng cần phải được điều chỉnh sao cho thống nhất với luật pháp quốc tế. Theo đó, các quy định của Bộ luật Lao động về các biện pháp xử lý kỷ luật lao động cần phải được thay đổi theo hướng cho phép phạt tiền đối với các hành vi vi phạm.
Chúng ta cho phép phạt tiền nặng đối với các hành vi phạm kỷ luật lao động tức là giúp người lao động hạn chế vi phạm. Khi kỷ luật lao động được thực hiện tốt thì đương nhiên tính chuyên nghiệp của người lao động cũng trở nên tốt, bản thân người lao động sẽ được thụ hưởng lợi ích đầu tiên. Bởi lẽ, một khi người lao động thực hiện kỷ luật lao động tốt sẽ được đánh giá là lao động chuyên nghiệp hơn, lương sẽ được trả cao hơn. Đây là một vấn đề hoàn toàn không nhỏ. Vì chất lượng nguồn nhân lực của cả quốc gia, thiết nghĩ Nhà nước nên mạnh dạn sửa đổi Bộ luật Lao động nhằm thúc đẩy người lao động nước ta có tinh thần tuân thủ kỷ luật tốt, có tác phong công nghiệp cao hơn.
SĨ CÔNG