
Hạ nghị sĩ J.Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban sức mạnh trên biển và triển khai lực lượng và Hạ nghị sĩ Colleen Hanabusa, thành viên Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ ngày 1-8 đã đệ trình lên Hạ viện Mỹ bản dự thảo nghị quyết về các tranh chấp lãnh hải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cụ thể là biển Hoa Đông và biển Đông; lên án những hành động của Trung Quốc gây bất ổn trong khu vực.
Phải tuân thủ luật pháp quốc tế
Dự thảo nghị quyết dài 16 trang, đệ trình Hạ viện Mỹ ủng hộ việc Mỹ tập trung nhiều hơn vào châu Á - Thái Bình Dương, chỉ trích các mưu đồ nhằm định đoạt tranh chấp hàng hải. Nhìn chung, phần lớn nội dung dự thảo nghị quyết được Hạ viện Mỹ đưa ra giống với một nghị quyết Thượng viện Mỹ đã thông qua hôm 10-7 vừa qua nhưng liệt kê chi tiết hơn các hành động của Trung Quốc gây bất ổn định khu vực, trong đó có vụ tàu Trung Quốc cố tình khiêu khích tàu tuần dương USS Cowpens của Mỹ ngày 5-12-2013 và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tàu lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ngăn chặn hành vi quấy rối của tàu hải giám Trung Quốc tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Văn bản trực tiếp chỉ trích hơn 80 tàu Trung Quốc hộ tống giàn khoan Hải Dương-981, trong đó có 7 tàu quân sự, hồi đầu tháng 5 vừa qua khiêu khích và đe dọa tàu cảnh sát biển Việt Nam, vi phạm Công ước về các quy định ngăn chặn va chạm trên biển (COLREGS) khi chủ động đâm va, dùng vòi rồng cản trở tàu Việt Nam thực thi pháp luật. Dự thảo nghị quyết cho rằng Trung Quốc làm xói mòn an toàn hàng hải trong khu vực và vi phạm các nguyên tắc luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, sau khi các tàu nước này thiết lập một vùng cấm có bán kính hơn 5km xung quanh giàn khoan Hải Dương-981.
Dự thảo nghị quyết khẳng định lại quan điểm của Mỹ phản đối bất kỳ quốc gia nào có yêu sách ở biển Đông sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực làm thay đổi nguyên trạng. Đồng thời, hối thúc các bên cùng tìm kiếm một giải pháp hòa bình dựa vào luật pháp quốc tế; thực hiện nghiêm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đưa ra Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương
Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi Mỹ thiết lập và thực thi một khung chính sách với Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam thông qua việc bán hoặc chuyển giao thiết bị quốc phòng Mỹ, phù hợp với sự phát triển và duy trì năng lực phòng thủ của Việt Nam.
Vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam được đề cập khá nhiều trong thời gian qua. Tờ Wall Street Journal của Mỹ trung tuần tháng 7 vừa qua đã đăng bài viết của 2 chuyên gia Richard Fontaine và Patrick M. Cronin cho rằng đã đến lúc Mỹ cần dỡ bỏ lệnh cấm trên. Theo ý kiến của 2 chuyên gia này, phạm vi và chủng loại hỗ trợ quân sự trực tiếp của Mỹ cho Việt Nam có thể giới hạn ở những loại vũ khí phòng thủ hữu ích nhất trong việc ứng phó với sự cưỡng ép từ bên ngoài như các hệ thống cảnh báo hàng hải, tàu hộ vệ và các tàu thuyền khác, vũ khí chống hạm...
Hai chuyên gia trên cho rằng khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, một lần nữa Trung Quốc cho thấy họ không quan tâm đến những quy định luật pháp đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận và trên hết là mưu đồ độc chiếm biển Đông. Mỹ có lợi ích trong việc ngăn chặn những hành động cưỡng ép nhằm thực hiện yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã đề nghị Mỹ sớm dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Trước đó, ông Ted Osius, người được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam tới đây, trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ hồi tháng 6 vừa qua, cũng cho rằng đã đến lúc Mỹ cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm bán và chuyển giao vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Đỗ Cao (tổng hợp)