Nhiều năm qua, các cơ quan công quyền nước ta thường cử nhiều đoàn ra nước ngoài dưới danh nghĩa đi công tác, nhưng thực chất là tham quan, du lịch bằng tiền nhà nước, gây lãng phí lớn cho ngân sách.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã lưu ý cần thực hiện nhiều giải pháp để tăng thu, giảm chi, đặc biệt phải giảm mạnh số đoàn đi nước ngoài, trừ những đoàn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đúng vậy, một trong những giải pháp quan trọng của việc giảm nợ công, chống lãng phí ngân sách nhà nước là phải cắt giảm các chuyến công tác nước ngoài của các cán bộ - công chức các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Các chuyến đi công tác nước ngoài phải thực chất và hiệu quả.
Trong thời gian qua, nước ta có quá nhiều chuyến ra nước ngoài của cán bộ các cấp, phần nhiều không phải do phía đối tác mời, không xuất phát từ các nhu cầu quốc kế dân sinh, nhưng vẫn viện đủ các lý do để đi. Có nhiều cán bộ cấp trên cho cấp dưới xuất ngoại như một sự ban phát ân huệ, phân chia bổng lộc theo kiểu lợi ích nhóm. Không ít chuyến xuất ngoại kéo dài hàng tháng. Nhiều bộ, ngành, hiệp hội, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn đặt văn phòng thường trực ở nước ngoài để thường xuyên đón các cán bộ trong nước sang thăm. Có nhiều quan chức và doanh nhân xuất ngoại liên tục, đến mức CB-CNV dưới quyền ít thấy mặt các thủ trưởng.
Nhiều vị xuất ngoại chỉ chăm chú tham quan giải trí, còn những việc liên quan đến nhiệm vụ, công tác của mình thì chỉ hỏi han bạn một cách qua loa, đại khái. Cho nên, khi về nước, các quan chức này không báo cáo thu hoạch được gì với cấp trên, cũng không truyền đạt được kinh nghiệm gì cho cấp dưới. Thật ra, muốn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm về các lĩnh vực của nước ngoài, nhiều khi chỉ cần đến các đại sứ quán của họ tại nước ta, hoặc thông qua các văn bản của các đại sứ quán của ta ở nước ngoài gửi về, hoặc qua mạng internet cũng đã có rất nhiều thông tin, tư liệu quý.
Bởi vậy, trừ các chuyến công du của các vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, thì các chuyến xuất ngoại cấp bộ, ngành, cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, đến các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... phải được các cấp có thẩm quyền xem xét cụ thể tờ trình về mục đích, nội dung, yêu cầu, thời gian và kinh phí của mỗi chuyến đi. Nếu thấy thật cần thiết thì mới cho phép. Số lượng người đi và các thành phần tham gia phải được cân nhắc, không thể cử những người “ăn theo” hoặc đi... cho vui. Sau mỗi chuyến đi, cá nhân và tập thể phải có văn bản báo cáo thu hoạch và kết toán tài chính minh bạch với cấp trên; đồng thời phải truyền đạt được những kinh nghiệm, những vấn đề mình đã tiếp thu được ở nước ngoài cho cấp dưới biết. Có như vậy các chuyến đi nước ngoài mới có chất lượng, hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị phát triển, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng lãng phí ngân sách quốc gia.
ĐÀO NGỌC ĐỆ
(Quận Hải An, TP Hải Phòng)