(SGGPO).- Sáng nay, 24-12, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, lãnh đạo 10 tỉnh thành khu vực phía Nam.
Báo cáo 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của UBND TPHCM do Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm trình bày, nêu rõ: Từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, Thành ủy TPHCM đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng theo tinh thần Kết luận 21-KL/TW của BCH Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tích cực, chủ động, cụ thể hóa các quy định của Đảng và Nhà nước trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; thể chế hóa việc quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách Nhà nước; quản lý, phân công lao động, cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị; khắc phục, kiểm soát chặt chẽ hơn những bất cập dễ dẫn đến tham nhũng trong công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, tài sản công; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; công khai, minh bạch trong quản lý Nhà nước về các lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường và trong thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động đấu thầu sử dụng ngân sách Nhà nước; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công… Trong 10 năm qua, cơ quan Công an đã thụ lý, điều tra và xử lý 152 vụ án tham nhũng với 463 bị can. Tổng giá trị tài sản thiệt hại, phạm tội trên 600 tỷ đồng và 136.000 USD. TAND 2 cấp đã đưa ra xét xử 199 vụ án tham nhũng với 636 bị cáo…
Tuy nhiên, báo cáo của UBND TPHCM cũng chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, đó là: Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở, lỏng lẻo; hệ thống pháp luật còn bất cập, chồng chéo, thủ tục hành chính còn rườm ra, phức tạp, dẫn đến hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh; công tác tự đấu tranh phát hiện trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức và trong các cơ quan thẩm quyền còn yếu.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng trong công tác tổng kết thực hiện 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Chính phủ. Là địa phương đầu tiên cả nước thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, TPHCM đã trách nhiệm, nhiệt tình và tổ chức khá chu đáo nội dung và những kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Về kết quả thực hiện các giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao trách nhiệm của lãnh đạo TPHCM thời gian qua đã quyết liệt với những cách làm hay, sáng tạo từ công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, đến tăng cường đấu tranh phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn.
Tuy nhiên, với những bất cập, tồn tại trong các lĩnh vực về quản lý đô thị, kết cấu hạ tầng, ùn tắc giao thông, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, tội phạm nhiều, trong đó tội phạm tham nhũng còn tiềm ẩn, đã hạn chế đến sự phát triển nhanh, bền vững của TPHCM. Nếu không có thất thoát, tham nhũng, lãng phí thì chúng ta đã có tăng trưởng cao hơn, nhiều hơn, tốt hơn. Do vậy, làm tốt công tác phòng và chống tham nhũng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo ổn định xã hội. TPHCM cần tăng cường các biện pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, công khai minh bạch trong một số lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, kiểm soát hiệu quả hơn tài sản công, ngân sách Nhà nước và cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, kết quả đấu tranh trên nhiều mặt chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra là ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng; tham nhũng vẫn còn với biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực với tính chất và mức độ khác nhau. Trong khi đó sự gắn kết giữa các cơ quan thẩm quyền trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra thực thi pháp luật còn yếu; khả năng tự phát hiện còn yếu, nhiều nơi báo cáo không có tham nhũng…
Về những giải pháp và kiến nghị của TPHCM, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với những vấn đề mà lãnh đạo TPHCM đã nhiều lần nêu lên với Trung ương và Chính phủ cần trao quyền tự chủ lớn hơn cho TPHCM, để hạn chế việc xin - cho từ đấu thầu công trình cho đến ngân sách và nhiều lĩnh vực khác. TPHCM cần có một cơ chế chính sách phân cấp, giao quyền cụ thể, rõ ràng hơn, để vừa giám sát, vừa quản lý tốt hơn các lĩnh vực, nhằm hạn chế và kiểm soát tham nhũng, lãng phí.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh để nghị TPHCM cần đánh giá sâu hơn, sát thực hơn nhóm 9 giải pháp thực hiện công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí thời gian tới. Trong đó, đi sâu vào phân tích những hạn chế trong khâu phát hiện, xử lý và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức để xảy ra tham nhũng để có những biện pháp đấu tranh hiệu quả, cũng như kịp thời kiến nghị với Quốc hội và Trung ương sớm hoàn thiện cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Nhân dịp này, UBND TPHCM đã tặng bằng khen cho 12 tập thể đã có nhiều thành tích trong công tác phòng chống tham nhũng từ năm 2006 đến 2015.
HOÀI NAM