Đi thăm các vùng cá Global GAP ở An Giang

An Giang được xem là tỉnh có diện tích nuôi cá tra và xuất khẩu thủy sản lớn nhất ĐBSCL. Để phát triển bền vững, địa phương này tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ xây dựng các vùng cá theo tiêu chuẩn Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Đây có thể được xem là “giấy thông hành” quan trọng để con cá tra Việt Nam xâm nhập vào những thị trường khó tính trên thế giới…
Đi thăm các vùng cá Global GAP ở An Giang

An Giang được xem là tỉnh có diện tích nuôi cá tra và xuất khẩu thủy sản lớn nhất ĐBSCL. Để phát triển bền vững, địa phương này tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ xây dựng các vùng cá theo tiêu chuẩn Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Đây có thể được xem là “giấy thông hành” quan trọng để con cá tra Việt Nam xâm nhập vào những thị trường khó tính trên thế giới…

Ở An Giang, sau khi vùng nuôi cá rộng 30ha của Công ty Cổ phần NTACO (NTACO Corp) ở phường Mỹ Thới (TP.Long Xuyên) được Tập đoàn Control Union Certificates (Hà Lan) cấp Chứng nhận Global GAP vào tháng 4-2010, nay đến lượt Công ty CP Thủy sản Việt An (Anvifish), Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất giống thủy sản An Giang… cũng đạt được chứng nhận này. Động thái của các doanh nghiệp An Giang đã kích thích nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khác trong nước cùng “theo đuổi” Global GAP.

Thu hoạch cá tra tại tỉnh An Giang

Thu hoạch cá tra tại tỉnh An Giang

Chấp nhận thu hẹp diện tích nuôi

6 giờ sáng, như thường lệ, anh Phạm Văn Tuấn (quê Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Anh Tuấn là một trong số 57 công nhân làm việc ở NTACO Farm (trang trại nuôi cá của NTACO Corp) từ nhiều năm nay. Công việc của họ là đi thăm cá ở 18 ao nuôi, tiến hành dọn vệ sinh, vớt cá chết trong đêm, kiểm tra nguồn nước trong hệ thống ao lắng lọc… Mỗi ngày, cá được cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều. Công nhân vận chuyển thức ăn từ kho chứa xuống bè, sau đó di chuyển bè ra giữa ao rồi mới cho ăn…“Biện pháp này nhằm giúp cá dễ tiếp cận thức ăn và phát triển đều” - công nhân Phạm Văn Tuấn giải thích.

Công việc tưởng như đơn giản nhưng theo anh Nguyễn Văn Khỏe, kỹ thuật trưởng của NTACO Farm, tất cả các quy trình nuôi đều được giám sát rất kỹ và cập nhật đầy đủ thông tin vào sổ sách. “Trước khi chọn cá giống phải truy rõ nguồn gốc cá bố mẹ, các loại thức ăn, thuốc chữa bệnh cho cá đều phải theo các tiêu chuẩn đã được công bố. Đến khi thu hoạch cá, công nhân cũng phải được tập huấn các quy định về an toàn…” - anh Khỏe nhấn mạnh.

Một quy định khá nghiêm ngặt là vùng nuôi phải đảm bảo sạch tuyệt đối. Khu vực ăn uống, nghỉ ngơi của công nhân được bố trí riêng biệt. Toàn bộ diện tích rộng 30ha hầu như không có rác, dù chỉ là một tàn thuốc nhỏ. “Ngay cả đối với cỏ cũng phải dùng máy cắt chứ không được phun thuốc để tránh ô nhiễm cho vùng nuôi. Mỗi tuần, đại diện Tập đoàn Binca Seafoods (nhà phân phối thủy sản tại châu Âu) đều vào kiểm tra quy trình nuôi cá theo chuẩn Global GAP”, anh Khỏe nói.

Giá trị cá tra được nâng cao

“Ngoài tốn nhiều chi phí cho việc xây dựng trại, tập huấn công nhân, việc bỏ nhiều ao lắng để xử lý nước, bảo vệ môi trường đã làm giảm sản lượng cá đáng kể so với trước đây” - ông Phan Ngọc Phước, Phó Tổng giám đốc NTACO Corp, tính toán. Nhưng bù lại, nhờ được cấp chứng nhận Global GAP, chất lượng và uy tín sản phẩm của công ty tăng lên rõ rệt. “Hiện toàn bộ cá tra của chúng tôi được một nhà phân phối tại Đức đặt hàng với giá cao hơn 20% so với giá thị trường. Quan trọng hơn, với tiêu chuẩn này cá tra của công ty có thể vào các siêu thị ở châu Âu”-ông Phước phấn khởi. Đó là lý do vì sao NTACO Corp quyết định mở rộng thêm 20ha nuôi cá theo tiêu chuẩn Global GAP bên cạnh 30ha sẵn có.

Tất cả quy trình nuôi cá đều phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn

Tất cả quy trình nuôi cá đều phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn

Còn theo ông Bùi Phú Kiệt, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Anvifish, thì: “Việc có Global GAP đã mở rộng cửa để Việt An bước vào thị trường thế giới. Tính đến nay, lượng đơn hàng từ thị trường Úc đã tăng 30% kể từ khi công ty được cấp giấy chứng nhận. Đơn hàng từ thị trường châu Âu cũng tăng cao trong thời gian này”. Cũng theo ông Kiệt, để duy trì được tiêu chuẩn Global GAP, mỗi năm công ty phải tốn chi phí hơn 6.000USD.

Tuy nhiên, số tiền này là không đáng kể so với lợi nhuận thu được. Ông Võ Thanh Tiến, Giám đốc chi nhánh TPHCM của Anvifish, thông tin: “Sau khi công ty được cấp chứng nhận Global GAP, nhiều khách hàng cũ đã quay trở lại, một số khách hàng trước còn e ngại cũng đã ký kết hợp đồng sớm hơn dự kiến và nhiều khách hàng mới đã tìm đến với mong muốn hợp tác”.

Theo đánh giá của ông Tiến, bình quân mỗi năm, Anvifish xuất khẩu khoảng 25.000 tấn cá tra nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Nhờ Global GAP, Anvifish đã trở thành 1 trong 5 đơn vị xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam, với hơn 100 khách hàng thường xuyên ở châu Âu và châu Mỹ.

Tiếp tục theo đuổi Global GAP

Theo nhận định của ông Bùi Khương Thới, Trưởng đại diện Tập đoàn Binca Seafoods tại Việt Nam, có thể chỉ trong vài năm tới, Global GAP sẽ trở thành tiêu chuẩn bắt buộc đối với thị trường thủy sản châu Âu. Đó là lý do vì sao nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đẩy mạnh việc xúc tiến xây dựng vùng nuôi cá tra theo tiêu chuẩn Global GAP. Trong đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn ở An Giang rất quan tâm đến vấn đề này.

Công ty CP NTACO là đơn vị đầu tiên trong cả nước được cấp chứng nhận Global GAP cho vùng nuôi cá tra. Tính đến nay, cả nước có 45 vùng nuôi cá tra với tổng diện tích trên 1.000ha của 24 doanh nghiệp đã đạt chứng nhận Global GAP.

Ngoài ra, còn có 18 vùng nuôi khác với diện tích hơn 237ha đang tiến hành xây dựng tiêu chuẩn hoặc chờ được cấp chứng nhận GlobalGAP. Đây là một bộ các tiêu chuẩn chứng nhận áp dụng tự nguyện trên toàn cầu cho hệ thống sản xuất nông nghiệp bao gồm khâu trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.

Nắm bắt nhu cầu về con giống sạch, Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Giống thủy sản An Giang đã đầu tư nghiên cứu con giống theo tiêu chuẩn Global GAP để cung cấp cho các trang trại nuôi trong thời gian tới. Bà Nguyễn Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm hiện có thể cung cấp từ 500 – 600 triệu con cá tra bột và 30 – 50 triệu con cá tra giống mỗi năm cho các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, TP. Cần Thơ… “Thời gian tới, Trung tâm sẽ mở rộng thêm chi nhánh sản xuất đạt tiêu chuẩn Global GAP để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường” - bà Trinh nhấn mạnh.

Như vậy, sau trái cây và lúa, đến lượt con cá tra Việt Nam được cấp “giấy thông hành” Global GAP. Giấy chứng nhận này cùng với việc đánh mã vạch để truy xuất nguồn gốc sẽ khiến người tiêu dùng trên thế giới an tâm hơn khi thưởng thức đặc sản của vùng sông nước Cửu Long. Từ đó, giúp tăng giá trị con cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Công đầu trong lĩnh vực này phải thuộc về các doanh nghiệp ở An Giang – vùng đất đầu nguồn và cũng là nơi giao nhau giữa hai con sông Tiền và sông Hậu…

NGÔ ĐỒNG

Tin cùng chuyên mục