Nếu lấy từ cột mốc mở cửa trở lại vào tháng 10 thì hầu hết các chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số vốn đầu tư, hoạt động thương mại dịch vụ… của TPHCM đều tăng mạnh.
Nhưng đặt trong tỷ lệ so sánh cùng kỳ năm trước (nhất là rơi vào 3 tháng đỉnh dịch), tất cả đều giảm, giảm sâu ở mức trên dưới 50%. Điều đó cho thấy, nội lực và sức bật của thành phố nếu được tập trung đầu tư đúng và mạnh, sẽ phát huy hiệu quả không chỉ cho TPHCM mà còn cả khu vực trọng điểm phía Nam. Đây không chỉ là “lời giải” cho bài toán phục hồi kinh tế mà cả hoạt động phòng chống dịch Covid-19.
Trước mắt lẫn lâu dài cần chú trọng những trọng tâm quan trọng, đã hình thành từ các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố. Gói hỗ trợ - phục hồi kinh tế là một trong những ví dụ như vậy. Chính phủ cũng dự kiến trình các gói kích thích kinh tế với ưu tiên củng cố y tế cơ sở thích ứng cho giai đoạn mới và kết nối giao thông. Cơn địa chấn Covid-19 đã làm lộ rõ điểm yếu lẫn điểm nghẽn của chuỗi giao thông kết nối TPHCM - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình là tuyến đường Vành đai 3 - TPHCM chưa được xây dựng để kết nối giao thông - vận tải, đi lại bên ngoài giữa TPHCM và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, buộc phải lưu thông qua khu vực trung tâm thành phố, dẫn đến nhiều rủi ro khi xảy ra phong tỏa, giãn cách; dễ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nối kết giữa các địa phương. Các dự án giao thông còn là “bệ đỡ” cho quá trình tái cấu trúc các ngành kinh tế của thành phố, kiện toàn “dây chuyền” nhà xưởng - nhà ở - các dịch vụ y tế - giáo dục… trong quy hoạch hạ tầng đô thị.
Sức tấn công của đại dịch Covid-19 càng đòi hỏi sự phối hợp, liên kết rộng và sâu, bền và vững giữa các địa phương liên vùng, giữa các lĩnh vực liên ngành. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể đủ sức đối kháng, cầm cự, vượt qua. Do đó, chiến lược tái cấu trúc các ngành kinh tế của TPHCM đặt trong chuỗi liên kết vùng, đòi hỏi cần “ngồi lại” cùng nhau để tính toán, cân đối và phát huy từng ưu thế địa phương trong ưu thế toàn vùng; từng khâu - lộ trình trong tổng thể quy trình sản xuất - lưu thông - phân phối.
Bản thân TPHCM trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, hay nói cách khác là tìm một “chiếc áo mới” phù hợp hơn cho mô hình khu chế xuất - khu công nghiệp - chuyển từ tập trung một số ngành công nghiệp truyền thống sang đa ngành với cốt lõi là công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo. Ngay cả những mô hình “điểm sáng” của thành phố như Khu Công nghệ cao TPHCM, Công viên phần mềm Quang Trung cũng đang “rục rịch” thay đổi từ trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra bởi những sức ép nội sinh và ngoại sinh từ quá trình phát triển.
Tất nhiên, tính thích ứng đồng nghĩa với trách nhiệm xã hội của Nhà nước và doanh nghiệp khi phải “bắt tay” để thiết kế, xây dựng, vận hành đồng bộ từ khu sản xuất - khu lưu trú đến khu cách ly, dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế, giáo dục…
Cuối cùng, TPHCM thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia đồng thời cũng là chiến thuật thích ứng với tình hình mới, là tăng tốc chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Rõ ràng, khai thác, sử dụng, vận hành và… thụ hưởng kỹ năng kỹ thuật số, công nghệ số đã được chứng minh qua từng phương thức, mô hình kinh doanh (nhỏ), lưu thông (trong nội đô, trong và ngoài khu vực phong tỏa, giãn cách) thời dịch bệnh. Tận dụng và phát huy sự nhạy bén, thích ứng của “thị phần” này sẽ mang đến nhiều kỳ tích. Đó cũng là quá trình “thích ứng sáng tạo” đang diễn ra tự nhiên tại thành phố có truyền thống đổi mới và năng động này.