Sân chơi Olympic vẫn quá tầm, cơ hội giành huy chương là cực khó, thế nên cần phải nhìn nhận thực tế là nếu không có một mục tiêu hay chiến lược hợp lý, thì có khi việc dự đấu trường này trở thành một “nỗi ám ảnh” làm trì trệ cả nền thể thao.
Công bằng mà nói, tính chất khốc liệt của Olympic không chỉ đối với các nền thể thao nhỏ, mà ngay cả những cường quốc cũng đang chịu sức ép từ sự trỗi dậy của các quốc gia mạnh ở một số môn thi đấu. Ngay cả cuộc đua tranh vị trí đứng đầu giữa đoàn Mỹ và Trung Quốc cũng không phải đối đầu trực tiếp ở các môn thi mà mỗi bên sẽ cố gắng khai thác những môn thế mạnh.
Huy chương Olympic đang ngày càng phân tán nhiều hơn, tỷ lệ HCV trên tổng số huy chương của các đoàn lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản, Pháp ngày càng ít đi do bị chia sẻ nhiều hơn. Điều này về lý thuyết càng làm khó thêm về cơ hội tiếp cận huy chương của TTVN khi chúng ta hầu như không có môn thể thao Olympic nào được xem là ở đẳng cấp hàng đầu thế giới như kiểu quyền Anh của Thái Lan hay cầu lông của Malaysia, Indonesia...
Thế nên, việc tham dự Olympic có thể ví như là chuyến đi thật xa, đi hết khả năng của mình để có đủ hiểu biết rồi nhìn cho thật gần những gì chúng ta có và triển vọng đạt được đến đâu. Điều dễ nhận thấy nhất là muốn giành huy chương Olympic thì phải có một nền thể thao đạt được đẳng cấp thế giới. TTVN từng đạt được thành tích ở môn bắn súng, cử tạ và taekwondo, những môn phát triển tốt tại Việt Nam, nhưng thực tế thì sau những kỳ tích tại Olympic, gần như chúng ta không thể duy trì được vị thế ở các môn thi đó tại các kỳ Olympic kế tiếp bằng một thế hệ VĐV được đầu tư tốt hơn, trẻ trung hơn...
Nói cách khác, không thể tư duy theo cách phần lớn nguồn lực đầu tư là để đứng đầu SEA Games nhưng lại đặt ra kỳ vọng là qua đó sẽ thắng huy chương Asiad và Olympic. Một VĐV có trình độ vượt trội, đoạt HCV dễ dàng ở SEA Games không đồng nghĩa với việc sẽ thi đấu tốt tại Olympic. Hai môi trường thi đấu hoàn toàn khác biệt, áp lực của đối thủ khác nhau. Để có thành tích ở Asiad hay Olympic thì VĐV của chúng ta phải được tập luyện, thi đấu, chiến thắng ở môi trường hàng đầu thế giới. Có như vậy mới không rơi vào cảnh thành tích tại Olympic còn kém hơn khi thi đấu trong nước.
Phải đặt vấn đề như vậy để thấy rằng thách thức lớn nhất của TTVN là tìm đâu ra nguồn lực để đầu tư cho một nền thể thao đủ sức cạnh tranh tại Asiad hay Olympic. Tìm kiếm tài năng là một chuyện, đầu tư thế nào cho thỏa đáng với năng lực của VĐV đó lại là chuyện khác. Trong khi đó, ngoài một vài môn như bóng đá, bóng chuyền… thì hệ thống thi đấu của đa số các môn thể thao khác ở Việt Nam vẫn chỉ nằm ở mức cơ bản, chủ yếu là giải vô địch quốc gia, thiếu hoàn toàn các giải đấu nhà nghề, có tiền thưởng hay đăng cai các giải quốc tế. Tất cả đều đối diện với bài toán chung là kinh phí, nên cơ hội để đưa VĐV đi tập huấn dài ngày, tham gia thi đấu ở nhiều giải quốc tế là nằm ngoài khả năng của ngân sách hiện nay.
Nói đi xa để nhìn gần là vậy. Cần phải thực tế hơn về cơ hội của TTVN tại những đấu trường vĩ đại như Olympic. Nỗ lực giành vé, đặt ra những kỳ vọng là chuyện phải làm, nhưng quan trọng hơn vẫn là tìm cách rút ngắn khoảng cách về đẳng cấp với phần còn lại của thế giới thông qua các mục tiêu cụ thể hàng năm, dựa trên tầm nhìn dài hạn có sự đầu tư chọn lọc, trọng tâm.