Điểm cộng cho ngành giáo dục

Chiều 24-2, ngay sau khi cuộc họp báo của Bộ GD-ĐT vừa kết thúc, thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn đã kịp thời đến với hàng triệu phụ huynh và học sinh trong cả nước qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Chiều 24-2, ngay sau khi cuộc họp báo của Bộ GD-ĐT vừa kết thúc, thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn đã kịp thời đến với hàng triệu phụ huynh và học sinh trong cả nước qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Là phụ huynh có con sẽ bước vào kỳ thi này, chúng tôi hiểu và cảm nhận được thế nào là niềm vui của người trong cuộc, đặc biệt là các học sinh đang học lớp 12. Trước đây, năm nào cũng vậy, cứ sắp đến kỳ thi này, ngoài các môn thi bắt buộc, học sinh và cả phụ huynh đều thắc thỏm chờ bộ công bố các môn thi bổ sung vào giờ chót. Người trong cuộc phải chờ đợi với tâm trạng hồi hộp, vất vả, cứ phải đoán mò. Khi môn thi được chọn và công bố, học sinh lại vật lộn với môn thi ấy trong những ngày cận kề kỳ thi.

Quyết định của bộ về việc chỉ thi 4 môn, không chỉ giảm hẳn áp lực thi cử mà còn là một cú chuyển ngoạn mục cho học sinh: từ trạng thái “bị chọn” trở thành người “được chọn”. Ngoài 2 môn thi bắt buộc (toán và văn) kể từ nay học sinh có quyền được chọn 2 môn thi còn lại theo sở thích và năng lực học tập của mình. Cũng có ý kiến khác biệt, lo ngại với 4 môn thi sẽ dẫn đến tình trạng học lệch - thi lệch, nhưng nếu vẫn thi 6 môn như trước, liệu có xóa được học lệch - thi lệch? Câu trả lời chắc chắn là không.

Giảm áp lực học tập, thi cử, hướng đến học thật, thi thật là yêu cầu chính đáng của nền giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Lẽ ra việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT phải được tiến hành từ nhiều năm trước, nhưng đến nay mới được thực thi. Trễ còn hơn không. Để có được quyết định này, bộ đã làm việc khẩn trương, cầu thị, lắng nghe, khảo sát từ nhiều chiều, nhiều phía.

Kết quả, dư luận xã hội đã đón nhận quyết định đổi mới kỳ thi này với tất cả sự phấn khích và được xem là “điểm cộng” cho ngành giáo dục. Nhớ lại trước đây, khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, người ta không sao quên được hình ảnh ông Bộ trưởng GD-ĐT buồn bã, từ chối trả lời báo chí khi ông là người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Nhưng giờ đây, có thể nhận định rằng với việc giảm áp lực học tập, thi cử, ngành GD-ĐT dường như đang “lội ngược dòng” để lấy lại niềm tin của cử tri cả nước.

Sau đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT lần này sẽ là bỏ điểm sàn, tiến tới mở rộng xét tuyển đại học, giảm tải thực chất giáo dục phổ thông? Sẽ còn nhiều việc mà Bộ GD-ĐT phải làm trước những bức xúc và đòi hỏi của xã hội để chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Không chờ đợi, luôn lắng nghe, cầu thị và mạnh dạn đổi mới - đó là những điều mà người dân đang trông chờ để Bộ GD-ĐT tiếp tục ghi thêm nhiều “điểm cộng” trong niềm tin của người dân.

TRẦN HÒA Ý (phường 14, quận 5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục