Giới trẻ “nổi loạn”: Vì đâu nên nỗi?
Thời gian gần đây tình trạng thanh thiếu niên, học sinh sử dụng dao, rựa, mã tấu... để giết người, cướp của, trả thù cá nhân... đang trở thành một tệ nạn nhức nhối. Vấn nạn này đang âm thầm lây lan trong giới trẻ, gây nhức nhối cho gia đình, nhà trường và xã hội.
Một trong những nguyên nhân gây ra nạn bạo lực, bạo hành trong giới trẻ là do bản chất hung hãn một số cá nhân, phần tử cá biệt bỏ học hoặc không được học hành đến nơi đến chốn, sống buông thả, thích hưởng thụ nên sinh ra trộm cắp, giết người. Trách nhiệm này một phần thuộc về gia đình, cái nôi hình thành nhân cách và lối sống của con người.
Cách chiều chuộng con cái quá mức, cha mẹï ly hôn, hoặc mải lo kiếm tiền mà quên mất nhiệm vụ giáo dục con mình… cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng, sa ngã, sống thiếu mục đích. Ở trường, việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh cũng còn xơ cứng, chưa sát với thực tiễn sinh động của xã hội. Điển hình là việc giảng dạy môn giáo dục công dân - môn học nhằm hoàn thiện nhân cách, hướng con người đến chân - thiện – mỹ chưa được coi trọng và nội dung chưa thích ứng với từng lứa tuổi.
Trong khi việc giảng dạy đạo đức trong nhà trường chưa ăn nhập vào tâm hồn học sinh thì bên ngoài, các đối tượng xấu luôn rình rập, dụ dỗ, lôi kéo các em. Ở độ tuổi mới lớn có tâm lý muốn chứng tỏ mình nên giới trẻ thích chơi nổi, thậm chí đâm chém nhau để ra oai. Thực tế có không ít vụ án ở lứa tuổi học sinh xảy ra chỉ để giải quyết mâu thuẫn nhỏ hoặc thể hiện uy quyền.
Nguy hiểm hơn, các thanh thiếu niên, học sinh còn lập băng nhóm, tổ chức đâm chém, cướp giật một cách táo tợn. Băng cướp “nhí” chỉ mới 14 tuổi (Tiền Giang) vừa bị bắt là một minh chứng. Cả ba tên mới học lớp 9 nhưng đã tổ chức cướp giật hết sức táo bạo và ghê rợn. Để thực hiện hành vi bạo lực, các đối tượng thường sử dụng mã tấu, đao, kiếm...
Vậy các hung khí này từ đâu ra? Nguồn cung cấp hung khí cũng chính là nguồn làm bạo lực bùng phát. Các hung khí này xuất phát từ các cơ sở lò rèn, cơ khí. Thậm chí để có được hàng “hiệu” như đao, kiếm... chúng phải mua tận biên giới. Ngoài ảnh hưởng của phim ảnh, những trò chơi bạo lực từ game online, tác nhân trực tiếp dẫn đến các hành động côn đồ, bạo lực là rượu - chất kích thích nguy hiểm khiến giới trẻ không làm chủ được bản thân.
Để ngăn chặn tình trạng bạo lực, bạo hành đang bùng phát dữ dội, chúng ta cần phải mổ xẻ, xem xét từng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ngoài các biện pháp giáo dục, ngăn chặn từ xa, xử phạt nghiêm đối với các hành vi bạo lực, bạo hành trong giới trẻ, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý và chặn đứng các nguồn cung cấp hung khí, vũ khí đang lưu hành ở nhiều nơi.
Tô Trần Trung Trực (TPHCM)
Hãy kiểm soát giờ học, giờ chơi của con cái
Ở góc độ giáo dục gia đình, tôi nhận thấy truyền thống của gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách trẻ một cách tích cực. Nếu cha mẹ sống cuộc đời hạnh phúc, là người có đạo đức, có trình độ học vấn chắc hẳn sinh và dạy dỗ con thành người có ích cho xã hội.
Cách đây mấy tháng, qua báo chí chắc mọi người còn nhớ vụ con một ông Bí thư Huyện ủy vô cớ đánh chết người vì chuyện không đáng. Nguyên nhân của vụ bạo lực này xuất phát từ việc có hai thanh niên đi xe gắn máy ngang qua chỗ mấy thanh niên đang ngồi nhậu ngoài đường, hai anh tưởng người quen ghé lại nhìn. Chỉ có vậy mà đám thanh niên này nổi máu côn đồ, dùng gậy đánh một người gãy tay và đánh thanh niên kia bị vỡ sọ chết.
Được biết nhóm thanh niên này thường tụ tập ăn nhậu hàng đêm và tổ chức đua xe gây náo loạn cả đoạn đường dài. Chuyện vô cớ đánh người ở khu vực này xảy ra như cơm bữa, người dân ai cũng biết và bất bình chỉ ra từng “gương mặt đen” cụ thể và báo cho chính quyền, công an ấp, xã biết. Nhưng vì có quý tử của ông Bí thư Huyện ủy ở trong băng nhóm côn đồ này nên chính quyền cứ xem như không hề xảy ra chuyện gì.
Chỉ đến khi “ông vua con” này tham gia đánh người vô tội đến chết và trong lúc dự đám tang người thanh niên xấu số, ông Bí thư Huyện ủy mới thổ lộ: “Đúng là gia đình tôi có lỗi chưa thật sự quan tâm đến con cái. Tôi đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà. Chiều chiều thấy con ăn cơm chung cứ tưởng nó ngoan hiền, tối tối thỉnh thoảng thấy con đi chơi vòng vòng trong xóm tưởng là chuyện bình thường như bao thanh thiếu niên trong ấp khác, nào ngờ giờ xảy ra chuyện đau lòng thế này. Cả đời tôi đi làm cách mạng phục vụ cho nhân dân bây giờ con mình lại hại mình, chứng kiến cảnh do con tôi gây ra tôi rất hối hận, đau lòng và mong mọi người lượng tình tha thứ…”. Nghe ông trút nỗi niềm đau buồn về đứa con hư hỏng ai cũng thông cảm nhưng nỗi đau mất người thân của gia đình nạn nhân làm sao có thể vơi được?
Từ câu chuyện đau lòng này tôi mong các bậc cha mẹ hãy quan tâm, kiểm soát giờ học, giờ chơi của con cái và sớm phát hiện diễn biến tâm lý khác thường, trong đó có biểu hiện lệch lạc, sa ngã để chấn chỉnh, uốn nắn ngay. Đừng để đến khi pháp luật trừng trị thì lúc đó dù có vò đầu bứt tai, than thân trách phận cũng không kịp.
Trần Văn Tám (Trường Tiểu học
Trung Lập Hạ-Củ Chi-TPHCM)
“Diễn đàn chống bạo lực, bạo hành” đã nhận được các bài viết của các tác giả: Diệp Văn Sơn, Nguyễn Ngọc Hà, Rừng Thông, Tô Trần Trung Trực, Lê Thiên Ngân, Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Thu, Đức Hoằng, Trần Văn Tám, Thu Tâm, Lê Ngọc Tân, Phương Điệp, Hạ Uyên (TPHCM); Lê Quang Huy (Tiền Giang); Lê Thị Diễm Chinh (Cần Thơ); Mai Thắng, Thanh Hải (Vũng Tàu); Lê Quang Quỳnh (Đà Nẵng); Võ Thụ Một (Quảng Nam); Ngọc Trang (Lâm Đồng)… Xin chân thành cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc. Ban bạn đọc |