“Diễn đàn xanh” đón mùa xuân tới

Sức ép từ bên ngoài trong 2 năm 2022-2023 không chỉ đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng và các xung đột quốc tế. Một sức ép “âm thầm” nhưng diễn ra rất mạnh mẽ, đó là xu thế chuyển dịch xanh của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa của Việt Nam.

Từ dệt may, da giày đến gỗ và các mặt hàng xuất khẩu khác lâm vào tình trạng “chuyển bộ” không kịp khi các tiêu chuẩn xanh mới được áp dụng; và những nước láng giềng bắt được cơ hội nhanh hơn, trường hợp Bangladesh là một trong những thí dụ.

Có người nói rằng chúng ta đã rõ ràng về nhận thức khi có một loạt chính sách, các cam kết mang tầm quốc tế và đã hình thành chiến lược quốc gia. Tuy vậy những văn bản trên sẽ còn trên lý thuyết nếu thiếu sự tham gia thật sự của thị trường, xã hội và ban hành được những nhóm chính sách thúc đẩy cụ thể.

Trong suốt 2 năm qua, TPHCM đã nỗ lực xây dựng những nền tảng cho 3 trụ cột cần và đủ này, bắt đầu bằng nhận thức. Các tọa đàm, hội thảo, diễn đàn được tổ chức liên tục trực tiếp vào chủ đề tăng trưởng và phát triển kinh tế xanh. Các nội dung không chỉ là “tầm nhìn vĩ mô” mà dần dần chia theo từng ngành, đi vào từng đầu việc với các hành động, sáng kiến cụ thể. Sau Diễn đàn kinh tế TPHCM 2023 với chủ đề hướng tới mục tiêu “trung hòa carbon” (Net Zero), khung chính sách tăng trưởng cũng như các biện pháp đã được các cơ quan tham mưu dự thảo.

Nhiều tranh luận xung quanh các chính sách này, cả về lộ trình lẫn về ưu tiên lẫn về nguồn lực để thực hiện. Nhưng không ai phủ định sự cần thiết về quá trình chuyển đổi này, đặc biệt với những chuyển động trên thị trường hướng tới tăng trưởng xanh ở nhiều cấp mức độ khác nhau. Thị trường năng lượng tái tạo, thị trường xe điện, nhu cầu ngày càng tăng của các không gian sống sinh thái, tiêu chuẩn xây dựng giảm khí thải, xu thế tiêu dùng xanh gắn liền với các thực phẩm nông nghiệp sạch, xu thế sử dụng các mặt hàng tái chế... Không gian chính sách cho tăng trưởng xanh của TPHCM còn được định hình rõ trong Nghị quyết 98/2023/QH15 qua các nội dung nêu trên, đi cùng với các chính sách thúc đẩy dự án điện đốt rác, thí điểm thị trường trao đổi tín chỉ carbon.

Sự hỗ trợ và tham gia trực tiếp của các tổ chức quốc tế cả về kỹ thuật - chuyên môn, lẫn về huy động nguồn lực kết nối cùng với quỹ đạo. Ngân hàng Thế giới tổ chức nhiều nhóm khác nhau đồng hành cùng thành phố; tổ chức GIZ (Đức) thực hiện các nghiên cứu về chuyển đổi xe gắn máy sang phương tiện giao thông xanh; các tập đoàn sản xuất kết nối với nhau thúc đẩy tiêu dùng bền vững qua Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam; sự sôi động của các quỹ đầu tư quốc tế vào thị trường tín chỉ carbon bắt đầu từ rừng, năng lượng tái tạo kỳ vọng sẽ chuyển nhanh qua các lĩnh vực khác.

Hay Cần Giờ - một huyện đảo của thành phố, sau 40 năm đang trở thành một viên ngọc quý của mục tiêu tiên phong về Net Zero. Các ý tưởng được cụ thể hóa qua đề xuất xây dựng lại mạng lưới giao thông với “điểm xanh” từ phà Bình Khánh, hay dựa vào các khu dân cư tập trung hiện hữu đầu tư mạnh mẽ về năng lượng tái tạo, xử lý rác - nước theo phương thức kinh tế tuần hoàn, hay bảo vệ và trồng rừng Cần Giờ gắn với du lịch sinh thái, và “bù trừ” tín chỉ carbon cho các ngành công nghiệp khác.

Khi đã trở thành xu thế thì không chỉ giới hạn tại một địa phương hay một lĩnh vực đơn lẻ. Hình dung về một hệ sinh thái tăng trưởng xanh bao gồm từ các ngành kinh tế trọng điểm đến các không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các mô hình khoa học công nghệ khác nhau để giải quyết các bài toán môi trường, biến đổi khí hậu, trung hòa carbon mà thành phố đang hướng tới.

Gần 40 năm đổi mới, sức sống mạnh mẽ của thành phố đến từ các ý tưởng và những con người đang “đau đáu” hằng ngày với vùng đất này. Từ các thảo luận, cần hình thành những sản phẩm trong những năm kế tiếp, không chỉ là những kết qua trước mắt mà còn các chính sách mang tính trung - dài hạn. Đó là bước quan trọng để chúng ta tiếp tục khẳng định về các bước chuyển đổi mô hình phát triển của thành phố, mà tăng trưởng xanh đang là trụ cột.

Tin cùng chuyên mục