Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: Nói nhiều nhưng chưa có lộ trình, nguồn lực

Nhiều chủ trương lớn như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh dù đã được đề cập nhiều, nhưng trên thực tế chưa có mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và cũng chưa xác định nguồn lực thực hiện.

Chiều 17-3, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi làm việc giao nhiệm vụ và góp ý kế hoạch năm 2023 đối với Sở KH-ĐT và Sở Tài chính.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao nhiệm vụ cho hai sở tính toán và xây dựng cơ chế huy động nguồn lực phát triển TPHCM, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao nhiệm vụ cho hai sở về chiến lược huy động nguồn lực phát triển TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao nhiệm vụ cho hai sở về chiến lược huy động nguồn lực phát triển TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cụ thể, Sở KH-ĐT TPHCM tập trung cho các nguồn ngoài ngân sách, PPP và các hình thức khác. Sở Tài chính làm việc với ngành thuế, hải quan để xác định những ngành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách thành phố, từ đó tập trung đầu tư hạ tầng để nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu. Bên cạnh đó là các nguồn tiền vay, đấu giá tài sản công sử dụng không hiệu quả, cổ phần hóa doanh nghiệp…

Đồng chí Phan Văn Mãi gợi mở một số giải pháp, như với việc sắp xếp lại các trụ sở, hiện các cơ quan đang trú đóng rải rác, nhiều cơ quan không hài lòng với diện tích, tiện nghi của mình. Nếu có thể tập trung lại, đầu tư thêm thì sẽ có trụ sở khang trang và diện tích còn lại có thể xử lý đem lại nguồn thu cho thành phố.

Bên cạnh việc huy động là cần có chiến lược phân bổ nguồn lực cho hiệu quả, tiết kiệm. Hiện việc phân bổ còn dàn trải, chưa trọng tâm nên hiệu quả chưa cao. Nhiều chủ trương lớn như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh dù đã được đề cập nhiều, nhưng trên thực tế chưa có mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và cũng chưa xác định nguồn lực thực hiện. Chủ tịch UBND TPHCM đồng tình với kiến nghị của lãnh đạo hai sở, về việc các sở chuyên ngành cần thuê tư vấn để lập dự án.

Buổi làm việc chú trọng vào những vướng mắc của hai Sở KH-ĐT và Tài chính. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Buổi làm việc chú trọng vào những vướng mắc của hai Sở KH-ĐT và Tài chính. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Duy Minh cho biết, hiện có tình trạng văn bản gửi xin ý kiến nhiều lần, trả lời rồi lại đề nghị giải thích rõ hơn. Nguyên nhân một phần do cán bộ phụ trách tài chính ở các sở ngành, quận huyện đang mỏng và yếu, không nắm được quy định, không tự tin đề xuất. Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cũng cho biết công việc hành chính quá nhiều. Có thời điểm, công chức sở phải làm việc đến tận nửa đêm, không còn thời gian tham mưu.

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Duy Minh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Duy Minh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Lãnh đạo hai sở đều kiến nghị TPHCM sớm tổ chức thi tuyển công chức, bởi khối lượng công việc quá nhiều mà biên chế bố trí cho hai sở vẫn chưa đủ. Sở Tài chính tổng biên chế được giao là 228 nhưng hiện chỉ có 208 biên chế, bộ phận quản lý giá và tài chính doanh nghiệp đang thiếu hụt lớn. Trong khi đó, Sở KH-ĐT TPHCM cũng đang thiếu 7 công chức, hai bộ phận đang chịu áp lực nhiều nhất là đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh.

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Duy Minh cho biết, một trong các công việc trọng tâm của sở trong năm 2023 là xử lý khoản tạm ứng còn lại của Khu đô thị mới Thủ Thiêm (144 tỷ đồng). Bên cạnh đó là các khoản tạm ứng khác hơn 5.500 tỷ đồng. Đây là các khoản không lớn nhưng đã kéo dài quá lâu, Kho bạc Nhà nước đã cảnh báo và đề nghị phối hợp xử lý. Ngoài ra, sở cũng tập trung cho công tác sắp xếp xử lý nhà đất, quản lý tài sản công…

Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Nguyễn Trung Anh thì đề xuất UBND TPHCM cho phép các sở ngành được thuê tư vấn lập dự án, các sở chuyên ngành sẽ đóng vai trò theo dõi. Theo ông, thời gian qua, việc thu hút đầu tư hiệu quả không cao, dù đã có nhiều hoạt động xúc tiến.

Qua các hoạt động này, nhiều nhà đầu tư có đăng ký nhưng quá trình thực hiện rất khó khăn. Nhiều nhà đầu tư tự lập dự án thì tự “vẽ” theo ý mình, không phù hợp quy hoạch, thậm chí chồng lấn lên các dự án mới được cấp phép. Do đó, sở ghi nhận nhiều hồ sơ đăng ký nhưng không giải quyết được hồ sơ nào. Nếu thuê tư vấn lập dự án thì sẽ hợp lý, hiệu quả cao và thu hút được các dự án đầu tư tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục