Điều kiện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần đáp ứng yêu cầu gì về an toàn thực phẩm (ATTP) để đủ điều kiện hoạt động? Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP?

Khoản 1 Điều 2 Thông tư 30/2012/TT-BYT ngày 5-12-2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, theo đó cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tổ chức chế biến, cung cấp thức ăn, đồ uống để ăn ngay phải có địa điểm cố định, bao gồm cơ sở chế biến suất ăn sẵn; căn tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống; cửa hàng ăn uống; cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín. Căn cứ quy định của Luật ATTP, cơ sở được cấp giấy chứng nhận ATTP khi có đủ các điều kiện bảo đảm ATTP, tức là phải đáp ứng những quy chuẩn kỹ thuật và những quy định khác do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Việc xác định cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP phụ thuộc vào loại hình hoạt động, số lượng suất ăn của cơ sở. Tại TPHCM, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 14/2014/QĐ-UBND quy định về việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm ăn uống. Theo đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP cấp giấy chứng nhận cho các dịch vụ ăn uống do cơ quan chức năng Trung ương và TP cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; các dịch vụ ăn uống do cơ quan chức năng quận - huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng có quy mô cung cấp từ 300 suất ăn/ngày trở lên; các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn; các dịch vụ ăn uống trong các bệnh viện, khu chế xuất và khu công nghiệp; các bếp ăn tập thể, căn tin trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. UBND quận - huyện hoặc cơ quan chức năng được ủy quyền cấp giấy chứng nhận cho các dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do quận - huyện cấp hoặc có quy mô cung cấp từ 100 đến dưới 300 suất/ngày; các bếp ăn tập thể trong các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; các dịch vụ nấu thuê đám tiệc di động. UBND phường - xã - thị trấn cấp giấy chứng nhận cho dịch vụ ăn uống có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có công suất cung cấp dưới 100 suất ăn/ngày. Giấy chứng nhận có hiệu lực 3 năm kể từ ngày cấp; trong vòng 6 tháng trước khi hết hạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục kinh doanh.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục