Đa số tên đường thường được đặt theo tên của những danh nhân, nhân vật văn hóa hoặc một sự kiện lịch sử nào đấy. Nếu tìm hiểu kỹ nguồn gốc của tên đường cũng là một cách tăng thêm vốn kiến thức lịch sử xã hội cho chúng ta.
Vừa qua một em học sinh thắc mắc với tôi về tên gọi của các con đường: “Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Tiên Hoàng cùng họ, vậy hai người đó có phải là bà con không ạ?”. Để ý kỹ thì những tình huống tên đường như thế rất nhiều như Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Đề Thám (quận 1), Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh và Tân Bình)…
Xét ở khía cạnh hành chính, hiện nay TPHCM có trên 1.000 con đường khác nhau, có rất nhiều con đường trùng tên hoặc cách đặt tên rất lộn xộn. Có nhiều đường, hẻm dường như không có tên để mà gọi, ngược lại nhiều nơi lại lạm dụng tên đường. Ví dụ, tên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) được dành cho cả 3 phường Linh Trung, Linh Đông và Hiệp Bình Chánh.
Ở phường Hiệp Phú (quận 9), tên đường bị lạm dụng rất nhiều. Chỉ khoảng 300m đường đối diện đường Quang Trung (quận 9) có ít nhất 21 tiểu lộ là 21 tên đường (Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Phan Châu Trinh, Nguyễn Tri Phương…). Đáng nói là mỗi đường chỉ cách nhau 5 - 10m, có khoảng 2 - 4 căn nhà/đường và chiều dài mỗi con đường chỉ khoảng 10 -15m.
Nhìn vào tên đường ở TPHCM, người ta có thể đặt câu hỏi “Lê Lợi” ở quận 1, Tân Bình, Gò Vấp có gì khác nhau? “Quang Trung” ở Gò Vấp có khác “Nguyễn Huệ” ở quận 1? Chính việc đặt tên đường như vậy có thể gây hiểu lầm kiểu “Đinh Tiên Hoàng và Đinh Bộ Lĩnh là mấy người?”.
Vẫn biết sự hình thành tên đường có liên quan đến rất nhiều thủ tục hành chính, tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xem xét và xử lý để tránh tình trạng loạn tên đường như hiện nay...
BÙI NGUYỄN (Thủ Đức)