Đồ chơi độc hại bán tràn lan

Đường dây nóng Báo SGGP nhận được nhiều thông tin từ bạn đọc cho hay, đúng dịp nhiều phụ huynh tìm mua quà cho con nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, trên địa bàn TPHCM xuất hiện nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em độc hại được bày bán công khai, như thú nhún, quả cầu gai, búp bê đầu trái cây từng được cơ quan chức năng cảnh báo chứa chất gây ung thư, phá hủy hệ thống hormone…

Đường dây nóng Báo SGGP nhận được nhiều thông tin từ bạn đọc cho hay, đúng dịp nhiều phụ huynh tìm mua quà cho con nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, trên địa bàn TPHCM xuất hiện nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em độc hại được bày bán công khai, như thú nhún, quả cầu gai, búp bê đầu trái cây từng được cơ quan chức năng cảnh báo chứa chất gây ung thư, phá hủy hệ thống hormone…

Vòng qua chợ Bình Tây (quận 6), Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), trước cổng nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn các quận 10, Tân Bình, Phú Nhuận…, PV ghi nhận đúng như phản ánh của bạn đọc, có bán khá nhiều mặt hàng đồ chơi không nguồn gốc, xuất xứ.

Tại một cửa hàng đồ chơi trẻ em đối diện chợ Nhật Tảo (quận 10), chúng tôi chứng kiến người bán đang hướng dẫn phụ huynh cách sử dụng súng đồ chơi bạo lực chạy bằng pin của Trung Quốc sản xuất. Người bán tại một điểm bán thú nhún trên đường Ngô Gia Tự (quận 10) liên tục chào mời, hướng dẫn trẻ em cách cưỡi thú nhún sao cho êm, thú vị nhất.

Trước đó, lực lượng Quản lý thị trường TPHCM và Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam đã lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng về hàm lượng phthalate (chất có khả năng gây ung thư, dị tật cho trẻ) có trong thú nhún, cầu gai… vượt mức cho phép khoảng 400 lần.

Đáng chú ý, các mặt hàng độc hại này thường bao vây cổng trường. Cách cổng các trường tiểu học Nhật Tảo, Hồ Thị Kỷ (quận 10) khoảng 20m luôn có 4 - 5 người bán hàng rong chuyên doanh đồ chơi trẻ em. Sản phẩm họ bán là súng bắn nước, mặt nạ quái thú, giá trung bình từ 10.000 - 15.000 đồng/sản phẩm; hạt nở giá từ 500 - 1.000 đồng/bịch khoảng 50 hạt.

Theo nhiều tiểu thương, cách nay khoảng 1 tuần, khách hàng ở một số tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ tấp nập lấy hàng đồ chơi trẻ em từ quận 6 gửi về tỉnh để cung ứng thị trường đồ chơi dịp 1-6. Bà Nguyễn Mai Lý, ngụ tại Long An, một chủ hàng chuyên doanh đồ chơi trẻ em, cho biết: “Nguồn hàng được tiểu thương nhập lậu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên giá rẻ nhưng chất lượng rất khó kiểm soát. Nhờ khách hàng dễ tính nên hàng hóa bán chạy ào ào”.

Trao đổi với PV Báo SGGP ngày 30-5, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết: “Việc kiểm tra, xử phạt việc bán các mặt hàng đồ chơi trẻ em độc hại, không xuất xứ vẫn diễn ra thường xuyên. Công tác giáo dục, tuyên truyền về mức độ nguy hại của các loại đồ chơi không đảm bảo an toàn cần được đẩy mạnh. Nhà trường, cơ quan quản lý cần phối hợp đồng bộ nhằm giảm thiểu nguy cơ đồ chơi nguy hại tác động xấu đến sức khỏe, nhận thức của trẻ em. Một mình lực lượng quản lý thị trường không thể ôm đồm, xử lý rốt ráo tình trạng này”.

Từ lâu, nhiều nước trên thế giới đã có cảnh báo về các mặt hàng độc hại dành cho trẻ em nhưng tại Việt Nam các cơ quan chức năng và cả người tiêu dùng đều khá thờ ơ, chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe, tính mạng con trẻ.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện, tạm giữ trên 400.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc không chứng nhận hợp quy. Gần đây nhất, ngày 23-5, Đội Quản lý thị trường 2A tạm giữ 14.120 sản phẩm đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH MTV Hoàng Sỹ Thu (105 Chu Văn An, phường 2, quận 6, TPHCM) nhập lậu từ Trung Quốc. Trị giá lô hàng nhập lậu này khoảng 176 triệu đồng.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục