Đổi mới để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ

Thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được đáng giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước với lượng dân số hơn 93 triệu dân; trong đó, dân số trẻ chiếm hơn 60%. Đồng thời, theo quy hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát triển đạt khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại.
Co.opXtra Vạn Hạnh chính thức đi vào hoạt động cuối năm 2017 vừa qua
Co.opXtra Vạn Hạnh chính thức đi vào hoạt động cuối năm 2017 vừa qua

Cụ thể, trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Nhật bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã tích cực tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam, đặc biệt tại những thị trường lớn như TPHCM…

Qua làn sóng M&A

Hiện nay, TPHCM đã phát triển 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại và hệ thống phân phối hiện đại, 1.100 cửa hàng tiện lợi. Nếu giai đoạn trước đây, số lượng siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng không đáng kể trong hệ thống siêu thị toàn TPHCM, thì nay tỷ trọng này đang có xu hướng tăng, chiếm khoảng 21% toàn hệ thống và khoảng 40% siêu thị tổng hợp trên địa bàn thành phố.

Thông qua nhiều phương thức thâm nhập thị trường bán lẻ TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, như mua bán - sáp nhập (M&A), liên doanh, liên kết, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hệ thống siêu thị có yếu tố nước ngoài đang có xu hướng tăng theo làn sóng thực thi các cam kết hội nhập.

Điển hình, Tập đoàn (bán lẻ) Aeon (Nhật Bản) đã mua lại 49% cổ phần của hệ thống siêu thị Citimart và đổi tên thành AEONCitimart và 30% cổ phần chuỗi cửa hàng tiện lợi Fivimart. Còn Tập đoàn (bán lẻ) Berli Jucker Plc (Thái Lan) mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam); Tập đoàn Central Group mua hệ thống Big C Việt Nam… Qua các thương vụ M&A, các tập đoàn phân phối nước ngoài đã lần lượt thâu tóm nhiều hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam. Trong năm 2017, hệ thống phân phối TPHCM còn có sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của 2 tập đoàn bán lẻ lớn là hệ thống siêu thị Auchan (Pháp) và chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven Eleven (Nhật Bản).

Theo Sở Công thương TPHCM, ngoại trừ một số đơn vị bán lẻ trong nước như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tập đoàn Vingroup... có quy mô hệ thống tương đối lớn, phần lớn các đơn vị trong nước còn lại vẫn hoạt động nhỏ lẻ với quy mô 1 - 2 siêu thị. Các tập đoàn phân phối nước ngoài luôn có chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững. Do đó, khi các tập đoàn phân phối nước ngoài phát triển các cơ sở bán lẻ sẽ kéo theo hàng hóa của các nước vào thị trường bản địa và tạo ra đặc trưng riêng để thu hút khách hàng, như hệ thống siêu thị Lotte, Emart bán đồ Hàn Quốc; hệ thống Aeon bán hàng hóa xuất xứ từ Nhật Bản...

Bà Đinh Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho rằng các đơn vị phân phối hiện đại của Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức do năng lực tài chính có giới hạn, thiếu tính chuyên nghiệp, hạn chế về sức mua và các mối quan hệ toàn cầu, cơ sở hạ tầng - nhất là hệ thống công nghệ thông tin và logistic yếu và thiếu, bị cạnh tranh quyết liệt trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Các đơn vị phân phối hiện đại trong nước cũng thường không đủ điều kiện và khả năng thực thi những chiến lược mang tính dài hạn; đặc biệt, tính liên kết không cao, tầm nhìn hạn chế.

Liên quan đến sự thâu tóm hệ thống các kênh bán lẻ nội địa, kết quả khảo sát qua cuộc điều tra “Hàng Việt Nam chất lượng cao 2018” cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài đang tạo lợi thế rất lớn, cũng như gia tăng giành thị phần cho sản phẩm nước mình. Nói cách khác, sản phẩm có xuất xứ từ các quốc gia thâu tóm được hệ thống các kênh bán lẻ, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường là nhân tố quan trọng tạo được không gian để sản phẩm của họ có thể tiếp cận, kết nối và từng bước chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.

Tạo động lực mới

Bên cạnh việc tận dụng tâm lý “sính hàng ngoại” của người Việt, các doanh nghiệp nước ngoài còn khai thác được tâm lý thận trọng trong lựa chọn của khách hàng khi e dè hoặc tẩy chay hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để gia tăng tiêu thụ sản phẩm nước ngoài.

Ngoài ra, còn phải kể đến chiến lược thâm nhập thị trường rất căn cơ, đi liền với việc thâu tóm không gian kết nối người tiêu dùng với sản phẩm khi các nhà bán lẻ nước ngoài chủ động thực hiện nhiều chương xúc tiến thương mại, tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp, quốc gia trong cuộc đua trên thị trường và chinh phục được niềm tin của người tiêu dùng Việt, như “hàng Thái” với chuỗi hội chợ được tổ chức bình quân 2 tháng/lần.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự xuất hiện các hệ thống phân phối nước ngoài đã giới thiệu được những phương thức thương mại hiện đại, chuyên nghiệp cùng nhiều công nghệ, kinh nghiệm và kỹ năng quản lý tiên tiến, góp phần nâng cấp hạ tầng thương mại nội địa. Đồng thời, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài cũng tạo ra áp lực và động lực thúc đẩy các đơn vị phân phối hiện đại của Việt Nam phải “trở mình”, năng động để tồn tại và cạnh tranh phát triển. Hệ thống phân phối nước ngoài cũng tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào các hệ thống phân phối của họ ở các quốc gia khác.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho hay thị trường bán lẻ Việt Nam có mức tăng trưởng rất cao. Trong đó, các tổ chức độc lập trên thế giới vẫn đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu. Đặc biệt, đối với hoạt động bán lẻ hiện đại của Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 20% so với tổng ngành thương mại bán lẻ; vì vậy, các các nhà đầu tư tập trung khá nhiều cho việc phát triển tại thị trường Việt Nam cũng là điều tất yếu. Khi nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tạo nên lựa chọn mới cho khách hàng, sự chia nhỏ thị phần và đòi hỏi các nhà bán lẻ nội địa phải có phương thức khác, sự thực tâm hơn trong khâu phục vụ khách hàng, cũng như mang đến cho khách hàng những gia trị thiết thực trong cuộc sống.

“Thời gian tới, Saigon Co.op sẽ tăng cường áp dụng công nghệ triển khai nhiều quy trình ứng dụng tại các cửa hàng để mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng khi đến Co.opmart, CO.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile và ngay cả HTV Co.op và SCVico City”, ông Nguyễn Anh Đức cho hay.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ vững thị trường trên sân nhà, một số nhà bán lẻ nội địa khác nhận định, trong điền kiện hiện nay, không những thị trường bán lẻ ở Việt Nam mà cả thị trường bán lẻ ở các nước trên thế giới có những biến động rất khác biệt so với giai đoạn trước đây. Chính vì vậy, hiện nay hầu hết nhà bán lẻ phải theo xu hướng đáp ứng nhu cầu đối với khách hàng và tạo sự tiện dụng trong quá trình mua sắm. Trong đó có thể kể đến việc triển khai những mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu thế là bán lẻ, mô hình không có cửa hàng… nhằm mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 2-2018 (Vietnam Economics Update) do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) công bố, cho thấy bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng đầu năm 2018 duy trì ở mức tăng trưởng tương đối cao. Tổng giá trị bán lẻ đạt 704.000 tỷ đồng, tăng 10,1% so cùng kỳ. Các địa phương tăng trưởng bán lẻ cao, ngoài Hà Nội và TPHCM còn có một số tỉnh thành như: Lai Châu, Lào Cai, Bình Định… Đặc biệt, tỉnh Bình Định cũng nổi lên với mức tăng trưởng du lịch lữ hành cao chỉ sau Hà Nội và TPHCM, với mức tăng 26,9%. 

Còn báo cáo tình hình kinh tế -  xã hội tháng 2 và 2 tháng năm 2018 của TPHCM cũng chỉ ra rằng, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố tháng 2 ước đạt 82.500 tỷ đồng; 2 tháng đầu năm đạt hơn 169.243 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số số giá tiêu dùng tháng 2 cũng tăng 0,34% so với tháng trước. 

Tin cùng chuyên mục