Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư vào khoa học - công nghệ

Theo Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải, giai đoạn 2012-2021, hoạt động khoa học - công nghệ của TPHCM đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho kinh tế TPHCM. Cơ cấu kinh tế TPHCM đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã làm nền tảng cho phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình và trung bình tiên tiến ngày càng tăng.

Sáng 16-2, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20 của Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM.

Đến dự hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định.

Lãnh đạo TPHCM tham dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Lãnh đạo TPHCM tham dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kiến tạo của nhà nước

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, theo khảo sát của Ngân hàng Phát triển châu Á, năm 2015, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) của TPHCM còn ở mức sơ khai. Sau đó, TPHCM đã ban hành các quyết định, chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TPHCM với nhiều chính sách về cơ sở vật chất, kinh phí, các hoạt động kết nối…

Từ đó, TPHCM đã cải thiện mạnh mẽ về ĐMST. Có hơn 45 cơ sở ươm tạo với khoảng 40.000m2 hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST. TPHCM sắp khai trương Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST; đang hoàn thiện thiện đề án hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và ĐMST; nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm nền tảng số hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST online.

Bằng những chính sách đa dạng đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST, trong những năm qua, hoạt động khởi nghiệp ĐMST của TPHCM diễn ra hết sức sôi động, ngay cả trong lúc đại dịch Covid-19, cộng đồng khởi nghiệp ĐMST vẫn miệt mài sáng tạo ra nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ để hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch, phục vụ an sinh xã hội, hoạt động học tập, sản xuất kinh doanh.

"Nếu như năm 2015, Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TPHCM còn ở mức sơ khai, thì năm 2022 TPHCM xếp hạng 111/1.000 và đã tiến gần đến top 100 các thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất trên toàn cầu", ông Nguyễn Việt Dũng cho biết.

Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dù vậy, thực tế vẫn còn những hạn chế, làm ảnh hưởng tốc độ phát triển của hoạt động khởi nghiệp ĐMST như các hành lang pháp lý, chính sách của nhà nước chưa theo kịp thực tiễn; văn hóa ĐMST, nhất là ĐMST mở còn hạn chế trong xã hội. Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kiến tạo của nhà nước trong sự phát triển của hệ sinh thái ĐMST; cần những mô hình, cơ chế, chính sách vượt trội.

Với vai trò là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực phía Nam và cả nước, trong những năm qua, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM đã thực hiện nhiều chương trình, đề án trọng điểm về KH-CN nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và đất nước.

Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy ĐHQG TPHCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG TPHCM, nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy ĐHQG TPHCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG TPHCM, nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy ĐHQG TPHCM, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG TPHCM, trong những năm vừa qua, ĐHQG TPHCM luôn được xem là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Thống kê giai đoạn 2016-2021, ĐHQG TPHCM đã công bố 6.713 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín. Các đơn vị của ĐHQG TPHCM đã thực hiện trên 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ KH-CN với tổng doanh thu trung bình hàng năm đạt trên 250 tỷ đồng và hơn 500 tài sản sở hữu trí tuệ đã được đăng ký bảo hộ. ĐHQG TPHCM đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong lòng đại học đầu tiên của cả nước đặt tại Khu Công nghệ phần mềm và các đơn vị thành viên…

Phân tích về những hạn chế, khó khăn, Tiến sĩ Mai Thanh Phong cho biết, doanh thu chuyển giao công nghệ tại ĐHQG TPHCM trung bình đạt trên 250 tỷ đồng/năm trong đó doanh thu từ loại hình dịch vụ kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao nhất 64,74%; xếp thứ hai là doanh thu từ loại hình tư vấn chiếm tỷ lệ 17,21%; doanh thu từ loại hình chuyển giao công nghệ, đào tạo chiếm tỷ lệ lần lượt là 10,88%, 5,32%.

Vì vậy, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/doanh thu chỉ đạt khoảng 3%. Điều này cho thấy mức độ làm chủ công nghệ chủ chốt của các nghiên cứu trong ĐHQG TPHCM chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều công nghệ không được tiếp nhận bởi các doanh nghiệp do phần lớn sản phẩm chỉ phát triển đến mức độ phòng thí nghiệm, pilot. Do đó, đòi hỏi các công nghệ phải tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng mức độ sẵn sàng của công nghệ từ kết quả nghiên cứu của các trường đại học chưa được quan tâm đầu tư. Hợp tác doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu. Vẫn còn khoảng cách giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, mặc dù mức độ làm chủ công nghệ chủ chốt của các nhóm nghiên cứu đã hình thành và được doanh nghiệp đánh giá cao nhưng sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng như doanh nghiệp kỳ vọng. Đa phần các hợp đồng chuyển giao công nghệ ký kết với doanh nghiệp chỉ tập trung vào loại hình dịch vụ kỹ thuật.

TS Mai Thanh Phong cho biết, trong giai đoạn tới, ĐHQG TPHCM rất cần hợp tác doanh nghiệp để dẫn dắt nhà khoa học tham gia thị trường KH-CN, đặc biệt là tại TPHCM và vùng ĐBSCL.

Chia sẻ thêm về lĩnh vực của mình, đại diện Trung tâm Công nghệ sinh học cho biết, thời gian qua, trung tâm đã nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm tiềm năng nhưng chưa được áp dụng vào sản xuất lớn để tạo ra sản phẩm cung cấp cho thị trường. Các quy định và hợp tác, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp rất phức tạp, chưa thông thoáng nên phần nào hạn chế hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Huy động nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng cho KH-CN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải ghi nhận, để cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết 20, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu, các chỉ tiêu, đặc biệt là các chương trình trọng điểm, đột phá để tiếp tục đẩy mạnh phát triển thành phố trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, KH-CN hiện đại của khu vực.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu chỉ đạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu chỉ đạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo đồng chí, giai đoạn 2012-2021, hoạt động KH-CN của TPHCM đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho kinh tế thành phố. Cơ cấu kinh tế thành phố đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã làm nền tảng cho phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình và trung bình tiên tiến ngày càng tăng.

Đồng chí cũng nhìn nhận và chỉ rõ một số khó khăn, thách thức, đó là phát triển KH-CN vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị của thành phố và chưa thực sự trở thành động lực phát triển.

“Việc đầu tư của nhà nước và xã hội cho lĩnh vực KH-CN vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Trong khi đó, cơ chế quản lý KH-CN đã có đổi mới nhưng chưa theo kịp cơ chế thị trường; một số chính sách còn hạn chế, bất cập, chưa đầu tư thích đáng cho hoạt động sáng tạo. Lực lượng cán bộ KH-CN tăng về số lượng nhưng còn thiếu chuyên gia đầu ngành, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, trí tuệ nhân tạo. Thị trường khoa học và công nghệ đã hình thành nhưng chậm phát triển”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải chỉ rõ.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 20. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 20. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhắc lại phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Đảng bộ, chính quyền TPHCM vào cuối tháng 9-2022 cũng như tiếp tục triển khai các nghị quyết của Trung ương, đồng chí Nguyễn Hồ Hải gợi mở nhiều nội dung để TPHCM tập trung thực hiện.

Đó là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 “… đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng KH-CN, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”. Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý, tổ chức, hoạt động KH-CN. Trong đó, tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính; đổi mới hệ thống tổ chức KH-CN, thu hút nguồn nhân lực KH-CN.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 20. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 20. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một giải pháp khác mà Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải lưu ý là tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường KH-CN; hoàn thiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ trung gian về đánh giá, thử nghiệm, chuyển giao và ứng dụng công nghệ.

Song song đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng; mở rộng hợp tác quốc tế hướng vào hỗ trợ một số lĩnh vực KH-CN, hướng tới đạt trình độ quốc tế.

Theo báo cáo, công tác phát triển KH-CN TPHCM trong những năm qua đã có những bước tiến rõ rệt, từng bước khẳng định vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm KH-CN có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực như y tế, cơ khí chế tạo, năng lượng, quản lý đô thị, vi chíp điện tử, công nghệ nano, nông nghiệp công nghệ cao…

Những thành quả này từng bước đưa TPHCM trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

TPHCM luôn năng động, kịp thời trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, kết nối hệ sinh thái, tăng cường hoạt động truyền thông, hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực phục vụ phát triển thành phố.

Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn ở mức cao trong thời gian qua, đạt trung bình 35,62%. Trong đó, đóng góp của KH-CN vào tăng trưởng TFP là 74%. Đồng thời, trong giai đoạn 2011-2021, năng suất lao động xã hội của TPHCM cao hơn 2,7 lần so với cả nước và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước.

Tin cùng chuyên mục