Đổi mới phương tiện, nâng chất và tạo thêm nguồn thu cho xe buýt

Năm 2013, số tiền trợ giá xe buýt lên tới 1.300 tỷ đồng nhưng hiệu quả hoạt động của xe buýt vẫn làm nhiều người băn khoăn… Đây là một trong những nội dung đã làm “nóng” nghị trường kỳ họp HĐND TPHCM trung tuần tháng 12-2013 vừa qua. Tại cuộc họp, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã giải trình một số vấn đề liên quan… Tuy nhiên, đâu là giải pháp đột phá trong năm 2014? Báo SGGP đã trao đổi với ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc chuyên trách vận tải của sở về vấn đề này.* PV:
Đổi mới phương tiện, nâng chất và tạo thêm nguồn thu cho xe buýt

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM:

Năm 2013, số tiền trợ giá xe buýt lên tới 1.300 tỷ đồng nhưng hiệu quả hoạt động của xe buýt vẫn làm nhiều người băn khoăn… Đây là một trong những nội dung đã làm “nóng” nghị trường kỳ họp HĐND TPHCM trung tuần tháng 12-2013 vừa qua. Tại cuộc họp, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã giải trình một số vấn đề liên quan… Tuy nhiên, đâu là giải pháp đột phá trong năm 2014? Báo SGGP đã trao đổi với ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc chuyên trách vận tải của sở về vấn đề này.

* PV:
Thưa ông, để giải quyết cơ bản những bất cập hiện nay của xe buýt, đúng là phải có thời gian. Thế nhưng, trong năm mới 2014, Sở GTVT sẽ chọn khâu nào là khâu đột phá để xử lý những bất cập này?

* Ông DƯƠNG HỒNG THANH: Có 3 vấn đề mà Sở GTVT TPHCM sẽ đẩy mạnh trong năm 2014 để nâng cao chất lượng hoạt động của xe buýt. Thứ nhất, rà soát lại mạng lưới tuyến theo hướng sẽ tổ chức lại cho hiệu quả hơn đồng thời sẽ đưa ra các tiêu chí để có điều kiện thưởng, phạt tài xế, tiếp viên xe buýt một cách tốt hơn. Thứ hai, nghiên cứu và nếu được sẽ đề xuất tách bạch riêng hoạt động vận tải với hoạt động mua, bán và kiểm soát vé đi xe buýt. Thứ ba, đẩy nhanh việc thực hiện dự án đổi mới 1618 xe buýt trong đó có 300 xe CNG và đặc biệt sẽ tìm thêm các nguồn thu nhằm giảm gánh nặng trợ giá xe buýt cho ngân sách thành phố.

Hành khách đi xe buýt tuyến Bến Thành - Nhà Bè. Ảnh: Phạm Cao Minh

Hành khách đi xe buýt tuyến Bến Thành - Nhà Bè. Ảnh: Phạm Cao Minh

* Những vấn đề này có tác động như thế nào đến việc giải quyết những bất cập hiện nay của xe buýt?

* Cách nay gần 10 năm, Sở GTVT đã tiến hành rà soát lại mạng lưới xe buýt và tiến hành sắp xếp lại. Tuy nhiên, từ đó đến nay, thành phố đã thay đổi nhiều, thêm nhiều đường và nhiều tuyến phố nên việc tổ chức lại mạng lưới tuyến cho hợp lý hơn là cơ sở quan trọng để xe buýt hoạt động hiệu quả. Quy định về thưởng, phạt đối với đơn vị vận tải, tài xế và tiếp viên xe buýt cũng đã có từ nhiều năm trước nhưng nay sẽ được xây dựng cụ thể, chi tiết, công bằng và khách quan hơn. Dự án đổi mới 1618 xe buýt được Sở GTVT xây dựng cách nay khoảng 2 năm và hiện đang đi vào những công việc hoàn thiện cuối cùng. Dự án đã được các sở ngành liên quan thông qua, chỉ còn trình thành phố xem xét, quyết định.

Theo dự án này, các đơn vị xe buýt được hỗ trợ lãi vay đầu tư trong vòng 7 năm. Các đơn vị chỉ phải trả 5% lãi suất vay, phần chênh lệch còn lại, thành phố sẽ trích ngân sách hỗ trợ. Số tiền được vay tối đa 70%/tổng số tiền mua xe. Phần lớn xe buýt TPHCM đã cũ kỹ, xuống cấp nên việc đổi mới 1618 xe sẽ là cơ sở quan trọng để nâng chất lượng hoạt động của xe, trong đó có 300 xe buýt sử dụng khí CNG - một loại khí thân thiện với môi trường, giúp thành phố bảo vệ môi trường. Trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng là việc làm cần thiết nhưng để giảm dần gánh nặng cho ngân sách thành phố, Sở GTVT đang nghiên cứu và sẽ đề xuất thành phố cho quảng cáo trên xe buýt, quảng cáo trên một số tuyến đường giao thông do sở quản lý nhằm tạo nguồn thu, bổ trợ cho việc trợ giá.

* Sở GTVT đã từng áp dụng nhiều giải pháp nhằm quản lý tốt hơn việc trợ giá cho xe buýt, giảm gánh nặng trợ giá cho ngân sách thành phố như khoán định mức cho đơn vị vận tải, đấu thầu luồng tuyến… Những vấn đề này có được tiếp tục xem xét?

* Cách nay gần 10 năm, Sở GTVT đã khoán định mức hoạt động cho các đơn vị vận tải. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực là giảm được phần nào tiền trợ giá cho xe buýt thì hậu quả tiêu cực đã xảy ra: xe buýt rà rút kiếm khách để thêm lợi nhuận đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Chính vì vậy, Sở GTVT đã quyết định ngưng không áp dụng phương thức này. Công tác đấu thầu luồng tuyến cũng đã được triển khai nhưng số lượng các đơn vị tham gia đấu thầu không nhiều. Kinh doanh xe buýt không phải lĩnh vực “siêu lợi nhuận” nên không hấp dẫn doanh nghiệp. Kết quả, nhiều kế hoạch đấu thầu đã buộc phải hủy vì chỉ có một đơn vị đang kinh doanh trên chính tuyến vận tải ra đấu thầu, tham gia thầu.

Thời gian qua, những băn khoăn về số tiền trợ giá cho xe buýt lẫn những nghi ngờ về tính minh bạch của nó không những làm cho Sở GTVT mà ngay cả các đơn vị kinh doanh xe buýt thấy rằng, cần phải có giải pháp để xử lý vấn đề này. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã tách bạch riêng việc thu tiền đi xe buýt với hoạt động vận tải. Các đơn vị vận tải có trách nhiệm đưa đón khách đúng quy định. Phần bán và kiểm soát vé do một đơn vị khác làm. Nhà nước, sau khi đã cân đối và kiểm soát việc thu chi, sẽ chi trả tiền cho đơn vị vận tải theo thỏa thuận. Sở GTVT sẽ nghiên cứu và đề xuất thành phố xem xét kinh nghiệm này. Một sự minh bạch và tin tưởng lẫn nhau sẽ là cơ sở để hoạt động vận tải tốt hơn.

* Cảm ơn ông!

AN NHIÊN (thực hiện)

Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình giảng dạy Fulbright: Tập trung đầu tư xe buýt ở những nơi thường xảy ra ùn tắc giao thông

Trong bối cảnh nguồn ngân sách thành phố còn hạn chế, việc đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng phủ kín toàn địa bàn thành phố là rất khó. Đặc biệt, với cấu trúc thành phố chủ yếu là nhà phố, rất nhiều hẻm sâu thì việc mở rộng mạng lưới xe buýt không những khó mà hiệu quả kinh tế cũng thấp. Tốt nhất, nên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm… Ở những khu vực thường ùn tắc giao thông, trong giờ cao điểm nên xem xét hạn chế bớt xe ô tô cá nhân và dành diện tích đường cho xe buýt. Đặc biệt, ở một số tuyến đường lớn và lưu lượng người đi đông như Trường Chinh, Cộng Hòa, nên xem xét phát triển BRT - loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, để giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân ở đây. TPHCM nên nhanh chóng đầu tư một số tuyến BRT làm đòn bẩy cho việc phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn.

SƠN LAM ghi

Tin cùng chuyên mục