Câu chuyện bản quyền truyền hình (BQTH) trong bóng đá nói nôm na là số tiền mà đơn vị truyền hình bỏ ra để sở hữu phát sóng các trận đấu trên các hạ tầng truyền hình. Trước đây, BQTH chỉ dành cho truyền hình. Nhưng hiện tại, BQTH trong bóng đá có nhiều định dạng, không chỉ truyền hình ngày trước mà còn phát sóng trên truyền hình số, truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp và nhiều ứng dụng internet khác nữa.
Thực tế là đòi hỏi BQTH V-League bán được giá tốt và có sức cạnh tranh thì trước hết CLB và bản thân cầu thủ phải thay đổi tư duy, ý nghĩ chơi bóng và chiến đấu hết mình nhằm tăng chất lượng trận cầu.
Trước khi mùa giải mới khởi tranh, ban tổ chức của giải đấu thường có những cuộc đàm phán với các đối tác truyền hình để báo giá BQTH. Ví dụ World Cup hay Euro, sau Tết cổ truyền Việt Nam, đơn vị tổ chức sẽ đến chào bán BQTH và ra giá theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Với những giải đấu lớn như Ngoại hạng Anh được bán theo nhiệm kỳ 3 năm (tức 3 mùa giải liên tiếp), có những giải bán 2 hoặc 4 mùa... tùy theo mức độ khác nhau. Với những giải đấu bán theo nhiệm kỳ, ban tổ chức sẽ đàm phán trước năm cuối khi gói ký kết đáo hạn.
Có những con số trong thời gian qua cho thấy BQTH V-League khá thấp, đó là thực tế. Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận V-League đã thật sự hấp dẫn hay chưa? Tại sao BQTH bóng đá Việt Nam rẻ trong khi ở nước ngoài nói chung và giải vô địch quốc gia Thái Lan lại cao?
Bóng đá Việt Nam vươn lên trong vài năm nay chỉ ở cấp đội tuyển. Chứ V-League vẫn có nhiều trận đấu chưa được hấp dẫn lắm, từ đầu đến cuối nếu không phải trận “đinh” thì ít người xem hết. Tất cả đồng nghiệp của tôi đều nhận xét số trận hay, cuốn hút từ đầu đến cuối là chưa nhiều.
Một vòng đấu chỉ vài trận cầu “đinh”, thậm chí còn nhiều người theo dõi V-League trong tâm thế vừa xem vừa kết hợp làm việc khác. Chỉ khi nghe tiếng bình luận viên hô thì mới nhìn vào màn hình xem qua thế nào. Chúng ta hay bị lẫn lộn khái niệm thành công của đội tuyển và thành công của V-League. Nhưng giải đấu lớn nhất của Việt Nam vẫn còn hạn chế về mặt cuốn hút và thời gian bóng lăn trong cuộc rất ít. Vậy nên ở thời điểm hiện nay có những đơn vị truyền hình đứng ra “thầu” BQTH V-League tôi cho là may mắn cho bóng đá Việt Nam.
Trước kia, BQTH ở V-League miễn phí nhưng giờ đã bán được. Sự thay đổi này xuất phát từ việc chất lượng của giải đấu đã đi lên. Ngày trước, có thời điểm bóng đá Việt Nam bước vào giai đoạn thật, giả lẫn lộn, số trận “đá móc” nhau rất nhiều nhưng hiện nay ít hơn.
Tuy nhiên bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể đạt được độ hấp dẫn để bán BQTH cao như các nước khác. Các đội thuộc kiểu hết động lực thì đá tà tà, không lôi cuốn, cầu thủ dễ thỏa hiệp và dường như cuộc đua ở những vòng đấu cuối chỉ còn vài đội. Chúng ta phải có cuộc cải tổ nhằm tạo động lực cho các CLB giống như Ngoại hạng Anh, họ hết động lực nhưng vẫn chơi máu lửa.
Quan điểm của tôi cho rằng V-League chưa phải là “món hàng” hấp dẫn với các đài truyền hình. Có một thời giải đấu này trên sóng các kênh thể thao như “cơm”, mà cơm thì chỉ ăn đủ no, nhưng bây giờ hơn “cơm” một chút. Nhưng để thu hút, bán được quảng cáo nhiều thì chỉ những giải quốc tế.
Còn hiện V-League phát trên các sóng truyền hình không thu được quảng cáo. Bình thường quảng cáo chỉ là trao đổi với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để đỡ phải trả tiền. Có thể nói BQTH V-League như một thứ “quà” gia tăng chứ chưa thật hấp dẫn.
Vậy làm sao để các CLB ở Việt Nam kiếm tiền từ BQTH? Không còn cách nào khác, tự chất lượng của các trận đấu phải nâng lên, tinh thần cầu thủ chiến đấu phải máu lửa, dù không còn động lực cũng phải đá quên mình. Khán giả phải thích thú và bản thân giải đấu phải có sức hút từ ngày khai mạc đến khi tấm màn nhung khép lại. Tuy nhiên sự chênh lệch giữa các trận đấu của đội tuyển và các giải trong nước như “một trời một vực”.
Muốn cải thiện được điều này trước hết phải đến từ CLB, bản thân cầu thủ. Chỉ khi thay đổi được tư duy, ý nghĩ thì mới có thể đòi hỏi BQTH tốt được, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 cần hơn bao giờ hết. Bởi nhiều đơn vị truyền hình rất khó khăn do nguồn thu quảng cáo giảm. Vậy nên nếu trận đấu cứ tẻ nhạt như thế này thì khó đòi hỏi các đài truyền hình có độ “sung” để mua tiếp BQTH.