Đồng ruble giảm dù Nga tăng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Nga đã chính thức tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm 6,5%, từ mức 10,5% lên 17%/năm trong một nỗ lực mới nhằm cứu nền kinh tế Nga vượt qua ít nhiều khó khăn đang phải đối mặt. Tuy nhiên, đến cuối ngày 16-12, đồng ruble vẫn giảm ở mức đáy kỷ lục trong 15 năm qua, khi có thời điểm 1 USD đổi được 79 ruble.
Đồng ruble giảm dù Nga tăng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Nga đã chính thức tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm 6,5%, từ mức 10,5% lên 17%/năm trong một nỗ lực mới nhằm cứu nền kinh tế Nga vượt qua ít nhiều khó khăn đang phải đối mặt. Tuy nhiên, đến cuối ngày 16-12, đồng ruble vẫn giảm ở mức đáy kỷ lục trong 15 năm qua, khi có thời điểm 1 USD đổi được 79 ruble.

Chính phủ Nga tìm nhiều biện pháp ngăn trượt giá của đồng ruble.

Ba thách thức

Quyết định trên được đưa ra trong một cuộc họp bất thường về chính sách tiền tệ - tín dụng ngày 15-12 nhằm hạn chế các rủi ro phá giá và lạm phát đang gia tăng. Gần đây, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải nhiều lần tăng lãi suất cơ bản, tuy chưa từng ở mức đột ngột như ngày 15-12, trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với 3 thách thức: lạm phát tăng phi mã, đồng nội tệ phá giá mạnh và giá dầu giảm phá đáy liên tục.

Đặc biệt là mức giảm giá đồng ruble gần đây đã không còn song hành với mức giảm giá dầu mỏ thế giới. Ngày 15-12, khi giá dầu Brent giao tháng 1-2015 đã tăng 1,3%, đạt 63,13 USD/thùng thì đồng ruble đã không tăng lên mà giảm xuống 63,4 ruble/USD và 78,81 ruble/EUR.

Cùng với việc tăng lãi suất để giữ chân các nhà đầu tư, Ngân hàng Trung ương Nga còn thực hiện những biện pháp khác nhằm ổn định lại tình hình. Trong đó, ngoài quyết định thả nổi đồng ruble hồi cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga cũng nâng mức trần và tần suất đấu giá repo (mua lại), giữ nguyên các ưu đãi cho những công cụ chuyên dụng để hỗ trợ tính thanh khoản. Tất cả các biện pháp trên nằm trong gói giải pháp 2.0 để chống lại nguy cơ lạm phát và phá giá.

Theo giới quan sát, biến động trong nền kinh tế Nga có thể dự báo được trước, khi ngoài các yếu tố thị trường, Nga còn bị Mỹ và phương Tây áp dụng những biện pháp trừng phạt liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Ngăn đà trượt giá đồng nội tệ

Theo Economist, Nga nhập khẩu một lượng lớn - tổng giá trị hàng nhập khẩu của Nga là 45 tỷ USD vào năm 2000, đến năm 2013 là 341 tỷ USD - vì vậy việc đồng ruble xuống giá nhanh chóng (mất 30% giá trị từ đầu năm nay) đã gây ra lạm phát. Tỷ lệ lạm phát được dự đoán là 9% vào cuối năm nay. Đồng ruble suy yếu cũng sẽ khiến việc trả lãi nợ nước ngoài trở nên tốn kém hơn.

Nợ chính phủ của Nga chỉ vào khoảng 57 tỷ USD, nhưng nợ doanh nghiệp của nước này thì cao hơn gấp 10 lần. Một phần trong số đó đã được tích lũy bởi các doanh nghiệp nhà nước và các công ty năng lượng quốc gia, khiến nó rơi vào tình trạng gần như nợ chính phủ. Vào khoảng cuối năm 2015, các doanh nghiệp Nga sẽ phải hoàn trả khoảng 130 tỷ USD nợ nước ngoài.

Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ Nga đã đưa ra nhiều giải pháp để kìm hãm đà lao dốc của đồng nội tệ. Riêng trong tháng 10, Mátxcơva đã chi 30 tỷ USD để ngăn đà trượt giá của đồng ruble. Ngày 1-12 vừa qua, Nga bán 700 triệu USD ra thị trường ngoại tệ sau khi đồng ruble lao dốc, giá bắt đáy.

Đến ngày 4-12, Tổng thống Nga Putin cam kết sẽ thẳng tay trừng phạt giới đầu cơ vào đồng ruble… Nhiều chuyên gia cho rằng, ông Putin sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều biện pháp khác để kiểm soát tỷ giá của đồng ruble trong thời gian tới.

Mặc dù nền kinh tế Nga đang thật sự gặp khó khăn và nhiều khả năng có thể rơi vào suy thoái năm 2015, nhưng trong phát biểu ngày 15-12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vẫn khẳng định Nga có thể vượt qua khó khăn do tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế, thậm chí có cơ hội để nền kinh tế nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.

Trong thông điệp liên bang mới đây, Tổng thống Nga Putin cũng nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài là động lực để Nga đạt mục tiêu đề ra. Trong đó vào năm tới cần thoát khỏi mức tăng trưởng 0%, đuổi kịp và vượt mức tăng trưởng của thế giới, hạ mức lạm phát xuống dưới 4%.

ĐỖ CAO (tổng hợp)


Tổng thống Nga tổ chức họp báo thường niên quy mô lớn

Hãng Sputnik đưa tin ngày 18-12 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tổ chức cuộc họp báo thường niên. Trong buổi họp báo, dự kiến nhà lãnh đạo Nga sẽ tổng kết tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Nga trong năm qua. Sau đó, các phóng viên sẽ đặt câu hỏi cho Tổng thống Nga. Nhiều chuyên gia nhận định buổi họp báo năm nay sẽ rất nóng xoay quanh vấn đề Ukraine, kinh tế Nga, quan hệ Nga và phương Tây.

Theo ước tính, khoảng 1.200 nhà báo trong và ngoài nước sẽ tham gia buổi họp báo này, trong đó có đại diện các hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới như New York Times, AP…

Đây là lần thứ 10 Tổng thống Nga tổ chức các cuộc họp báo thường niên quy mô lớn. Cuộc họp báo đầu tiên với sự tham gia của ông Putin là năm 2001.

MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục