Dự báo về số lao động mất việc làm: Liệu có quá lạc quan?

Như tin đã đưa, Thủ tướng đã có Quyết định 30/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ DN và người lao động (NLĐ) bị mất việc do suy giảm kinh tế. Chiều 25-2, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã họp báo công bố về quyết định này cũng như những vấn đề liên quan đến tình hình lao động việc làm vốn là vấn đề khá nóng trong bối cảnh hiện nay.

Mất việc làm chưa đến mức trầm trọng

Thời gian qua, báo chí cũng luôn “nóng” vấn đề lao động bị mất việc làm. Thế nhưng, tuyên bố của ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB-XH tại cuộc họp báo chiều qua lại cho rằng, tình hình thực tế chưa đến mức, và cũng sẽ không đến mức nóng như dư luận lo ngại. “Chúng tôi đã đến các địa phương và có căn cứ xác thực về điều này”, ông Đồng khẳng định.

Tổng lực lượng lao động của Việt Nam hiện là 45 triệu người, trong số đó 75% là lao động nông thôn, trên 70% lao động là phi chính thức và theo ông Đồng, tác động của khủng hoảng kinh tế chủ yếu lên đối tượng 25% lao động trong khu vực chính thức, chủ yếu lao động ở các khu công nghiệp, các tỉnh trọng điểm.

Theo báo cáo gần đây nhất (tính đến ngày 23-1) của 41/63 tỉnh thành, số lao động bị mất việc là 66.000 người và nếu tính cả 63 tỉnh thành, thì con số mất việc sẽ vào khoảng 80.000 người. Các tỉnh thành có lao động mất việc cao chính là những nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như TPHCM (19.000 người); Hà Nội (gần 10.000 người); Bình Dương, Đồng Nai (mỗi tỉnh 8.000 - 10.000 người); Bắc Ninh, Vĩnh Phúc (4.000 - 5.000 người).

Tuy nhiên, theo ông Đồng, bên cạnh số lao động mất việc thì nhu cầu lao động của thị trường lại rất lớn, vì thế 70% - 80% số lao động mất việc đã tìm lại được việc làm ngay sau đó. “Vấn đề mất việc làm ở Việt Nam chưa đến mức trầm trọng. So với tỷ lệ chung của toàn cầu, tỷ lệ mất việc của Việt Nam cũng sẽ không cao”, ông Nguyễn Đại Đồng nói.

Và cũng căn cứ trên thực tế này, Bộ LĐTB-XH đã báo cáo Thường trực Chính phủ ước tính số lao động bị mất việc trong 6 tháng đầu năm 2009 là 300.000 người (là thời điểm xấu nhất của nền kinh tế); sau đó, 6 tháng còn lại của năm, kinh tế có nhiều khả năng phục hồi, số lao động bị mất việc sẽ ít hơn, khoảng 100.000 người, tức là cả năm 2009, số lao động bị mất việc là khoảng 400.000 người.

Không thể nắm được chính xác số lao động bị mất việc

“Chính phủ cũng đã phê bình chúng tôi về việc chưa thống kê được số lao động bị mất việc cũng như nắm tình hình lao động. Chúng tôi thừa nhận khâu quản lý lao động còn yếu. Ở các nước họ quản lý bằng Thẻ lao động, còn Việt Nam thì chưa, mà hiện nay vẫn chỉ mới tiến hành chuẩn bị biểu mẫu để tiến hành rà soát. May ra thì đến tháng 6-2009, hệ thống Trung tâm thông tin thị trường lao động mới đi vào hoạt động”, ông Đồng cho biết.

Cũng vì khâu quản lý lao động còn nhiều bất cập mà trong thời gian qua, các số liệu thống kê luôn có sự vênh nhau. Đơn cử như việc báo chí đưa tin Hiệp hội làng nghề dự báo năm 2009 có khoảng 5 triệu lao động làng nghề bị mất việc do kinh tế khó khăn, đơn hàng xuất khẩu không có; nhưng Cục Việc làm lại cho rằng con số đó là mơ hồ, vì có thể số lao động ở tất cả các làng nghề chưa chắc đến 5 triệu người (!).

Tại cuộc họp báo chiều qua, không ít lần đại diện Cục Việc làm Bộ LĐTB-XH đã khiến báo chí thất vọng khi liên tục trả lời “chưa rõ”, “chưa biết”, “chưa nắm chắc”. Đó cũng là lý do mà Chính phủ không thể đưa ra những chính sách hỗ trợ trực tiếp NLĐ trong cơn bão mất việc làm hiện nay, vì không có địa chỉ rõ ràng, cụ thể của NLĐ.

Ngoài ra, một điều mà dư luận không khỏi băn khoăn, khi ông Đồng giải thích. “75% lao động ở khu vực nông thôn, nên nông thôn là một hậu phương lớn để khi NLĐ mất việc ở thành phố, họ có thể quay về quê làm ruộng, kiếm thêm thu nhập, hạn chế được thiệt hại”.

Trong khi đó, thực tế thì NLĐ rất khó để bảo đảm thu nhập cho mình trên đồng ruộng, nơi mà họ đã ra đi; cũng như cùng lúc hàng trăm ngàn lao động bị mất việc ở thành thị không thể quay về các làng nghề để kiếm sống, khi mà các làng nghề cũng đang rất bấp bênh. Rõ ràng, bài toán về hỗ trợ lao động mất việc vẫn còn nhiều điều phải bàn tính.

Tháng 3: Doanh nghiệp và người lao động được vay vốn

Quyết định của Chính phủ nêu rõ, năm 2009, DN gặp khó khăn được vay vốn lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa là 12 tháng để trả lương, trợ cấp cho NLĐ mất việc làm. NLĐ bị mất việc làm tại DN mà chủ DN bỏ trốn trong năm 2009 thì UBND cấp tỉnh ứng ngân sách địa phương trả cho NLĐ có trong danh sách trả lương của DN khoản tiền lương mà DN đó còn nợ NLĐ. Nguồn tạm ứng từ ngân sách địa phương được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của DN theo quy định hiện hành. NLĐ bị mất việc làm trong các trường hợp trên, kể cả NLĐ đi làm việc tại nước ngoài phải về nước trước thời hạn do DN nước sở tại gặp khó khăn, Thủ tướng quyết định NLĐ sẽ được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm; được vay vốn để học nghề hoặc vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày NLĐ bị mất việc làm hoặc ngày lao động phải về nước. Theo ông Nguyễn Đại Đồng, ngay trong tháng 3, DN và NLĐ có thể được vay vốn. Những lao động bị mất việc trong năm 2008 không thuộc diện hưởng chính sách này.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Lực lượng thi công trên công trình xây mới Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các dự án bệnh viện cửa ngõ TPHCM đợi bổ sung vốn

Khối lượng xây dựng mới 3 bệnh viện cửa ngõ của TPHCM đang trên đường về đích theo tiến độ, nhưng nguồn vốn để mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ cho các cơ sở này đi vào hoạt động vào cuối năm nay thì không biết đến khi nào mới có. Nguy cơ công trình phải “đắp chiếu” có thể xảy ra.

Bút Sài Gòn

Mới xanh một khúc

- Nghe nói có dự án hay lắm để sếu đầu đỏ trở lại Tràm Chim (Đồng Tháp). Nhưng liệu rằng khi dự án hoàn tất, sếu sẽ có chỗ sinh sống dài hạn hay lại vỗ cánh bay đi?