Sau gần 1 năm triển khai Quyết định 52/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30-8-2013 quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu, hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đã phối hợp với ngành GD-ĐT trên cả nước tiến hành các thủ tục, giải quyết đầy đủ, kịp thời cho đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh theo quy định của nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề nảy sinh là một số giáo viên có nhiều năm giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập, sau đó chuyển sang dạy tại các trường bán công hoặc tư thục rồi nghỉ hưu thì lại không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Bởi tại Điều 2 của Quyết định 52/2013/QĐ-TTg nêu cụ thể đối tượng áp dụng là “Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập (gọi chung là cơ sở giáo dục công lập)”. Vậy là cho dù giáo viên trước đó giảng dạy bao nhiêu năm trong các cơ sở giáo dục công lập chăng nữa, nhưng đến thời hạn đủ điều kiện làm thủ tục nghỉ hưu đang công tác tại cơ sở giáo dục tư thục, bán công sẽ không được tính thâm niên nghề, thiệt thòi vô cùng. Ở huyện Đức Trọng, mới đây có trường hợp một giáo viên dạy THPT 38 năm, trong đó 34 năm công tác tại trường công lập, 4 năm sau cùng về trường THPT bán công rồi nghỉ hưu, nên không được nhận phụ cấp thâm niên nghề.
Do vậy, rất mong các bộ, ngành chức năng ở Trung ương nghiên cứu bổ sung, cho nhà giáo giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, sau đó chuyển sang tư thục, bán công khi nghỉ hưu được tính phụ cấp thâm niên nghề, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết để đảm bảo quyền lợi như các đồng nghiệp khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.
NGUYỄN TIẾN ĐẠT
Giám đốc BHXH Đức Trọng (Lâm Đồng)