Dư luận đang nói nhiều đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Có những xa hoa, lãng phí thấy được, biết được còn bao nhiêu lãng phí khác chưa được nhắc đến. Chẳng hạn lãng phí về con người. Mỗi năm nước ta cho ra trường hàng vạn cử nhân, kỹ sư nhưng liệu bao nhiêu người có được việc làm đúng chuyên môn, đúng sở trường để không mai một tài năng, kiến thức? Có bao nhiêu người có năng lực nhưng vì những lý do khác nhau bị đặt ở những vị trí “ngồi chơi xơi nước”? Có bao nhiêu người Việt Nam ở nước ngoài có tài năng, có nhiệt huyết muốn tham gia đóng góp cho đất nước nhưng lại gặp những rào cản không phải do chính sách mà do chính những người thực hiện chính sách gây ra, nên không thể tham gia đóng góp cho Tổ quốc...
Lãng phí đã gây ra thiệt hại không nhỏ cho xã hội. Nhưng điều nguy hiểm nhất là thiệt hại về lòng người, tức tình cảm và sự tin tưởng của người dân vào các cơ quan công quyền. Thiệt hại này không thể định lượng được và cũng rất khó khắc phục ngay trong ngày một ngày hai. Lãng phí này không thể tính bằng tiền mà nó tỷ lệ nghịch với sự đồng thuận, tin tưởng của người dân vào các chính sách của nhà nước.
Thực tế cho thấy, khi chính quyền các cấp đề ra một chính sách gì thì luôn nhận được sự quan tâm và phản ứng của người dân. Điều đó cho thấy người dân luôn mong mỏi có những chính sách phù hợp – hợp tình, hợp lý, hợp với xu thế phát triển chung – và tiến bộ. Khi đã có chính sách phù hợp, người dân sẵn sàng thực hiện. Chẳng hạn, năm 1994, Chính phủ ra chỉ thị cấm đốt pháo. Chủ trương này dù làm thay đổi tập quán khá lâu đời và mang nét đặc trưng văn hóa nhưng tiến bộ nên được người dân hưởng ứng. Từ đó đến nay việc đốt pháo chỉ còn diễn ra rất ít của một số người xem thường pháp luật.
Sự lãng phí lòng tin tưởng của người dân vào các cơ quan công quyền đa phần xuất phát từ sự thiếu ý thức trách nhiệm và nhiệt tâm của một số cán bộ công chức chứ không phải do chủ trương, chính sách. Đó là biểu hiện mà gần đây được diễn đạt bằng từ “vô cảm”, tức người có trách nhiệm không quan tâm đến nỗi nhọc nhằn, bức xúc của người dân mà chỉ quan tâm đến việc tránh né hoặc vòi vĩnh. Cũng từ đây, những cán bộ tham mưu thiếu sâu sát, thiếu trách nhiệm đã tham mưu cho lãnh đạo ban hành những chính sách không phù hợp, vừa gây lãng phí lòng tin, vừa làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước. Nếu để đến mức trầm trọng, ngay cả khi có chính sách đúng đắn, người dân cũng dễ sinh ra tư tưởng ngờ vực mà thiếu ý thức chấp hành, làm giảm hiệu lực tác động của chính sách đó. Cả hai trường hợp này đều nguy hiểm và cần nhanh chóng chấn chỉnh.
Và mặc dù đã xảy ra một số vụ việc tiêu cực, nhưng người dân vẫn tin tưởng rằng Đảng và nhà nước luôn kiên quyết và có những biện pháp hữu hiệu để bài trừ tận gốc tham nhũng, lãng phí. Nếu các biện pháp thực hiện này chưa mang lại hiệu quả thực tế tức là lòng tin của người dân đang bị lãng phí và sự lãng phí này sẽ không thể có một đại lượng nào để định lượng được. Bởi vì lòng tin của người dân là vô giá!
Trúc Giang